Thời điểm này về xã Châu Thái, Quỳ Hợp, thấy dọc đường xe vận tải nhộn nhịp thu mua keo non. Ông Lương Văn Thành ở bản Đồng Minh, xã Châu Thái cho biết: Gia đình thu hoạch hơn 4 ha keo, doanh thu 70 triệu đồng/ha, nhưng tiền phí vận chuyển “ăn” hết. Do không có đường nguyên liệu vào nên phải thuê người chặt, bốc vác ra xe công nông “tăng bo” mất trên 20 triệu đồng, tính ra chỉ còn chưa đến 50 triệu đồng/ha keo.
Ông Vi Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Châu Thái cho biết thêm: Toàn xã Châu Thái hiện có 1.200 ha rừng nguyên liệu, hàng năm khai thác từ 200 - 300 ha. Việc khai thác rừng non dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, xã đã vận động tuyên truyền người dân nên để chu kỳ dài hạn khai thác nhưng rất khó khăn, bởi vốn trồng rừng là do nhân dân tự bỏ ra. Trong khi chưa có doanh nghiệp nào ký kết bao tiêu sản phẩm với bà con trồng cây nguyên liệu gỗ to thì hiện nay tư thương lại rất chuộng gỗ nhỏ để băm dăm nên bà con bán keo non.
Việc phát triển cây keo lai được địa phương rất chú trọng, cây keo giúp vừa tạo công việc ổn định cho người lao động. Hiện nay, địa bàn huyện Quỳ Hợp có trên 13.000 ha rừng nguyên liệu, hàng năm khai thác từ 3.000- 4.000 ha. Để phát triển cây keo một cách bền vững, huyện đã đề nghị các công ty thu mua nguyên liệu có chính sách đầu tư và hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ rừng trồng. Đặc biệt là đầu tư vốn cho dân để trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả, giúp người dân an tâm trồng rừng.
Ở địa bàn huyện Quỳ Châu, tình trạng bán keo non cũng xảy ra khá nhiều. Dù chưa đến chu kỳ khai thác nhưng do thiếu vốn đầu tư sản xuất, nhu cầu trang trải cuộc sống nên nhiều hộ trồng rừng ở Quỳ Châu phải bán rừng non. Hệ lụy là năng suất rừng trồng thấp, giá thấp, lợi nhuận giảm sút.
Xã Châu Bình có trên 500 ha keo, hàng năm thu hoạch từ 100 - 120 ha keo, hầu hết là keo chưa đủ độ tuổi. Ông Nguyễn Nam ở xã Châu Bình (Quỳ Châu) cho biết, gia đình ông vừa bán 5 ha keo gần 4 tuổi, với giá 1 triệu đồng/tấn, gia đình ông chỉ thu về gần 40 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc.
Theo ông Lê Hải Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu, toàn huyện có trên 20.000 ha rừng keo, hàng năm thu hoạch trên 2.000 ha keo, trong đó hầu hết thu hoạch keo non. Với những diện tích keo thu hoạch chưa đúng chu kỳ khai thác, lợi nhuận sẽ giảm khoảng 20 triệu đồng/ha. Hiện nay, địa phương đã chỉ đạo các xã thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non.
Không thể phủ nhận công nghiệp băm dăm tạo động lực cho trồng rừng và thu nhập ngắn ngày cho nông dân, nâng diện tích rừng trồng thương mại của Nghệ An đạt trên 165.000 ha. Nhưng sự phát triển của ngành dăm cũng đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho ngành chế biến gỗ.
Nghệ An cần có chính sách như cho vay vốn, hỗ trợ gạo cho chủ rừng, từ đó chuyển một phần diện tích rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang gỗ lớn, nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng. Cần có cơ chế khuyến khích các công ty, tập đoàn tham gia đầu tư hỗ trợ chủ rừng và người dân trồng rừng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định tránh tình trạng dân bán keo non. Tăng cường quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp tranh mua gỗ rừng non, tiến tới cần giảm băm dăm gỗ keo non…
"Xuống giống" trên 1.200 ha rừng gỗ lớn ở Nghệ An
Phát huy lợi thế trồng rừng gỗ lớn