Sâu sát với cơ sở
Từ tháng 6/2019 đến nay, sau khi Chi bộ cơ quan Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể xã Nghi Phú (TP. Vinh) giải thể, 31 đảng viên nơi đây được phân công về sinh hoạt đảng ở 5 chi bộ xóm. Đây là một trong những nhiệm vụ thực hiện theo Kết luận số 134 - KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (ngày 5/3/2019) nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, nghị quyết gắn với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của chi bộ đề ra.
Điều khác biệt với những phường, xã khác trên địa bàn thành phố là tất cả các đảng viên của cơ quan xã Nghi Phú đều sinh hoạt Đảng ở những địa bàn không phải là nơi cư trú. Do đặc thù về cơ cấu đảng viên tại các địa phương nên trong tổng số 23 chi bộ xóm ở xã, có 5 xóm được tăng cường đảng viên.
Điều đó, góp phần để Đảng ủy xã củng cố các chi bộ ở vùng giáo, tăng cường sức mạnh cho tổ chức đảng cơ sở và xóa được 1 xóm trắng về chi bộ. Cũng vì tính chất đặc thù đó mà 31 đảng viên là cán bộ, công chức của xã Nghi Phú được tăng cường về 5 xóm phải đầu tư thêm công sức, trí tuệ, thời gian để sâu sát hơn với công việc của các xóm.
Đảng viên Nguyễn Thanh Hải - Đội phó Đội Quản lý trật tự đô thị xã Nghi Phú, trú tại xóm 17 nhưng cùng 6 đảng viên khác được phân công sinh hoạt Đảng ở Chi bộ xóm 5, địa bàn có hơn 85% là giáo dân.
Do sinh hoạt Đảng khác địa bàn cư trú nên anh Hải phải đầu tư thêm nhiều hơn về thời gian để cùng Ban cán sự và các tổ chức đoàn thể xóm 5 nắm bắt thực tế, cùng bàn các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.
Sau một thời gian hoạt động, trong kỳ đại hội chi bộ vừa qua, đồng chí Hải được các đảng viên bầu làm bí thư chi bộ. Như vậy, trách nhiệm của anh Hải càng nặng nề hơn. Nhưng với tinh thần xung kích và bố trí thời gian phù hợp, bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, anh Hải đã phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự và các tổ chức đoàn thể ở xóm tăng cường gặp gỡ, trao đổi với người dân, cùng tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua, tích cực trong công tác an sinh xã hội.
Đánh giá về sự đồng hành đó, anh Nguyễn Văn Nam - Xóm trưởng xóm 5 nói: “Quá trình anh Hải về tăng cường ở xóm và làm Bí thư chi bộ đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Có những việc liên quan đến triển khai các chính sách, chủ trương và thực hiện các phong trào được triển khai thuận lợi hơn trước. Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi để làm thế nào đạt hiệu quả cao nhất trong công việc được giao…”.
Còn với đảng viên Phan Thị Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN phường Bến Thủy, sau khi chi bộ đảng cơ quan phường giải thể, được phân công về sinh hoạt ở Chi bộ cư trú khối 13, chị Tuyết có nhiều thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện các nhiệm vụ đảng viên được giao. Quá trình sinh hoạt ở chi bộ khối, chị Tuyết cùng với chi bộ, ban cán sự, MTTQ và các đoàn thể thường xuyên bám nắm cơ sở, tăng cường gặp gỡ các thành phần dân cư trên địa bàn, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
Theo chị Tuyết, khi trở thành đảng viên của chi bộ nơi cư trú, bên cạnh phải làm tốt vai cán bộ hội ở phường, chị phải hoàn thành những nhiệm vụ khác được chi bộ giao phó cũng như tăng cường gắn kết với các tổ chức đoàn thể ở khối để góp phần xây dựng khối ngày càng vững mạnh hơn. Chị Tuyết là 1 trong 28 đảng viên là cán bộ, công chức của phường Bến Thủy được phân công về sinh hoạt ở 15 khối trên địa bàn phường.
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Văn Chỉnh - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vinh, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, từ tháng 6/2019, Thành ủy Vinh hoàn thành việc giải thể 25 chi bộ ở cơ quan phường, xã và tăng cường 519 đảng viên về sinh hoạt ở các khối, xóm. Tùy thực tế, mỗi phường, xã có những cách phân công số lượng đảng viên về khối, xóm phù hợp để phát huy hiệu quả.
Từng bước khắc phục tồn tại
Qua đánh giá thực tế việc tăng cường đảng viên phường, xã về sinh hoạt Đảng ở chi bộ khối, xóm cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, có những vấn đề đặt ra cần từng bước khắc phục. Điển hình như việc phân công đảng viên sinh hoạt “trái tuyến” với nơi cư trú đòi hỏi mỗi cán bộ phường, xã phải vượt qua sức ép cả công việc chuyên môn, công việc đảng đến công việc khối, xóm.
Cụ thể như thực tế ở xã Nghi Phú, tất cả các đảng viên là cán bộ, công chức xã đều sinh hoạt Đảng ở địa bàn khác nơi cư trú. Trong đó, việc củng cố chi bộ, phát triển đảng viên ở vùng giáo là nhiệm vụ rất lớn. Như ở Chi bộ xóm 4, hiện có 10 đảng viên nhưng có đến 9 người tăng cường, trong khi đó, trên địa bàn từ năm 2008 đến nay không phát triển được đảng viên nào ở vùng giáo.
Trao đổi thêm về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Phú cho biết: “Rõ ràng những khó khăn phát triển đảng viên ở vùng đặc thù đòi hỏi lộ trình trong thời gian dài. Chính vì thế, Đảng ủy xã thường xuyên động viên các đảng viên phát huy vai trò trách nhiệm, tăng cường bám nắm cơ sở, tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể đồng hành cùng người dân trong các phong trào, hoạt động, từ đó phát hiện những nhân tố quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng”.
Một vấn đề khác, đó là một số Đảng ủy xã, phường lúng túng khi tiến hành phát triển đảng viên cho cán bộ, công chức đang là quần chúng công tác ở HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể xã, phường. Điển hình ở phường Bến Thủy hiện có 6 cán bộ, công chức có thể bồi dưỡng kết nạp đảng nhưng Đảng ủy phường đang băn khoăn về cách thức thực hiện.
Bởi, theo đồng chí Nguyễn Thanh Hùng - Bí thư Đảng ủy phường Bến Thủy, các cán bộ này đang công tác sinh hoạt ở các tổ chức, đoàn thể tại phường; trong khi chi bộ Đảng ở phường đã giải thể nên công tác bồi dưỡng, giới thiệu đi học đối tượng Đảng, kết nạp Đảng là vấn đề khó khăn hiện nay.
Những tồn tại nêu trên, Thành ủy Vinh đang tham khảo kinh nghiệm một số địa phương để điều chỉnh hợp lý. Về phát triển đảng cho cán bộ, quần chúng ở các phường, xã có thể cũng gửi về các khối, xóm theo dõi, bồi dưỡng, giới thiệu, kết nạp theo những quy định của Đảng…”.