Thông tin đưa ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện đề án 1816 giai đoạn 2008-2010, do Bộ Y tế tổ chức ngày 30/5 cho thấy đã có hơn 4,5 triệu người dân trên toàn quốc được hưởng lợi từ đề án này.

Đề án 1816 luân phiên, luân chuyển cán bộ từ tuyến trên hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới, được phê duyệt từ năm 2008 với mục tiêu góp phần đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần dân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa...

765888_small_63316.jpg
 Khám bệnh cho người dân tại vùng cao. Ảnh: TTXVN

Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh sáng kiến của Bộ Y tế và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc triển khai thực hiện Đề án 1816. Phó Thủ tướng cho rằng, cách làm này rất hiệu quả và đầy sáng tạo, giúp ngành có khái quát chung đồng thời học tập được các điển hình tại các địa phương.

Qua thực tiễn triển khai đề án trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế nên có mục tiêu rõ ràng như việc lên danh sách các bệnh viện, các kỹ thuật cần chuyển giao; Cần có tổng kết để xác định rõ các phân cấp từ Trung ương về tỉnh, từ tỉnh về huyện để có được sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển y tế cho 10 năm tới, triển khai đồng bộ xây dựng toàn ngành, xây dựng các chuyên khoa gắn với việc chuẩn bị nhân lực, chuyển giao công nghệ.

Báo cáo thực hiện đề án trong thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện đề án 1816, có khoảng 9.000 lượt cán bộ y tế đi luân phiên, trong đó bác sỹ từ trung ương xuống tỉnh là 4.000 người, từ tỉnh xuống huyện là 2.000 người, bác sỹ từ huyện xuống khám bệnh tại xã là 3.000 người.

Các cán bộ đi luân phiên đã trực tiếp khám chữa bệnh cho hơn 4,5 triệu người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm trường hợp người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao.

Trong thời gian triển khai đề án tại các tỉnh, có tới 2.000 lớp đào tạo, tập huấn được tổ chức cho hơn 52.000 lượt cán bộ y tế địa phương, hơn 2.500 kỹ thuật được chuyển giao.

Đến nay có 35 bệnh viện trung ương trực thuộc Bộ Y tế, 185 bệnh viện tỉnh/thành phố, hơn 322 bệnh viện huyện đã thành lập được Ban chỉ đạo thực hiện đề án 1816.

Đề án đã góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến không phù hợp của các bệnh viện tuyến dưới trung bình khoảng 30%.

Việc thực hiện đề án 1816 đưa cán bộ có trình độ chuyên môn cao đi luân phiên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới đã góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội. Thông qua dự án, người dân ở các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, người nghèo, đồng bào dân tộc được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương, với chi phí thấp nhất.


Theo Vietnam+