Các đồng chí: Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Bằng Toàn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Giám đốc Sở LĐTB & XH chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động dịch vụ XKLĐ trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH cho biết: Để đáp ứng nhu cầu XKLĐ trên địa bàn tỉnh, năm qua tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của Nhà nước về công tác XKLĐ; công khai minh bạch về thị trường, chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nên đã hạn chế được tình trạng cò mồi, môi giới lừa đảo.
Bên cạnh đó, đã có những chính sách phù hợp nên thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có cơ hội được lựa chọn thị trường phù hợp với mình.
Nghệ An tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ. Hiện có 61.518 lao động Nghệ An đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2017, toàn tỉnh đã đưa được 13.810 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó tập trung chủ yếu ở Đài Loan với 4.820 người; Malaysia: 1.528 người; Hàn Quốc 1.133 người; Nhật Bản: 3.112 người; các nước Trung Đông:1.315 người. Nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về tỉnh hàng năm ước đạt 255 triệu USD/ năm.
Có hơn 40% lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc
Tại hội nghị, Sở LĐTB & XH cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, việc lao động bỏ trốn vẫn còn ở mức cao (hơn 40 %), đã gây những hệ quả xấu không chỉ cho thị trường lao động có nhu cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chính lao động đó như việc bị trục xuất về nước trước thời hạn, lao động phải bồi thường phí hợp đồng...
Về điều này, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn kiến nghị: “Để có thể khắc phục tình trạng này, các đơn vị cung ứng lao động cần thông báo các khoản phí cụ thể 1 lần cho người lao động khi cam kết. Cam kết làm việc tại công ty nào thì thực hiện lao động tại đúng công ty đó”.
"Đồng thời, công tác tuyên truyền cần thực hiện từ xã đến xóm, đến tận hộ gia đình để nâng cao nhận thức cho người lao động. Cần có chế tài cụ thể đối với từng gia đình có lao động phá vỡ hợp đồng" - Nhiều đại biểu tham gia hội nghị đề xuất.
Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới để sang một số nước như: Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Austraylia, Canada, các nước Đông Âu,...làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp bằng nhiều hình thức, đi du lịch, thăm thân hoặc kết hôn giả,...đã gây thiệt hại nhiều mặt cho chính bản thân người lao động, cũng đã được nêu ra tại hội nghị.
Phấn đấu đưa 13.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Năm 2018 toàn tỉnh đưa được từ 12.500 đến 13.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, nâng tỷ lệ lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài lên 30% so với lao động chung toàn tỉnh; đưa tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 40%; giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống còn dưới 30% (năm 2017: 44,5%).