Nghị định 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ cho học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được áp dụng đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số hoặc dân tộc Kinh (với các quy định kèm theo) hiện đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú hoặc trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này. Nghị định này có hiệu lực từ năm 2015 - 2020.
Theo đó, mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở. Ngoài ra, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo. Riêng đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Tại Nghệ An, việc thực hiện Nghị định 116 và các chính sách trước đó của Nhà nước là cơ sở để thực hiện thành công mô hình bán trú ở các bậc học tại các huyện miền núi cao. Trong đó, đối tượng thụ hưởng chính là học sinh thuộc các xã đặc biệt khó khăn (Khu vực 3) và học sinh thuộc thôn, bản đặc biệt khó khăn (xã thuộc Khu vực 2 và Khu vực 1).
Hệ thống trường PTDTBT đã và đang làm thay đổi tích cực chất lượng giáo dục toàn diện học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần quan trọng vào việc duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
“Khoảng trống” trong thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số và miền núi
Liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg Quyết định phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2025.
Bước đầu, qua tổng hợp sơ bộ ban đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo thì có 11 trường PT DTNT THCS ở các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ và một số trường thuộc các xã ở Kỳ Sơn, Tương Dương có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn hàng nghìn học sinh khác đang học ở các trường tiểu học và THCS có tổ chức bán trú.
Toàn huyện Tân Kỳ, qua thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo đang có gần 1.000 học sinh được hưởng chế độ 116 với số tiền hỗ trợ hàng năm là hơn 7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này nếu phải huy động đóng góp từ phụ huynh thực sự không dễ dàng.
Đứng trước nguy cơ chế độ cho học sinh bán trú sẽ bị cắt, mới đây, tại cuộc đối thoại với lãnh đạo ngành Giáo dục, nhiều hiệu trưởng cũng đã bày tỏ sự lo ngại nếu không có ngân sách chi trả cho học sinh bán trú của học kỳ II năm học 2020 - 2021 (được tính từ năm 2021) thì sẽ rất khó khăn.
Hay như tại huyện Tương Dương, hiện huyện đang xây dựng đề án xây dựng Trường Tiểu học DTBT đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn và dự kiến sẽ đi vào triển khai từ năm học 2021 - 2022 và một số năm tiếp theo. Nhưng hiện tại theo danh sách mới nhất vừa công bố, các xã như Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Xá Lượng đã ra khỏi Khu vực 3.