Sôi động mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú ở miền Tây Nghệ An
(Baonghean.vn) - Trước đây, học sinh miền núi đi học xa nhà hoặc ở trọ, hoặc phải tá túc trong những căn nhà lá xiêu vẹo được dựng tạm ở gần trường học. Nhưng nay thì các em được ở lại trường và được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú.
22/03/2021 - 17:47
Mô hình Trường PTDTBT dành cho học sinh THCS được đưa vào hoạt động đầu tiên ở Nghệ An từ năm học 2010 - 2011 tại huyện miền núi Kỳ Sơn. Sau 10 năm đi vào hoạt động, hiện toàn tỉnh đã có 35 trường tập trung tại các huyện miền núi. Ảnh: MH Việc đưa mô hình trường PTDTBT THCS đi vào hoạt động được xem là một bước ngoặt rất lớn với giáo dục miền núi. Học ở mái trường này, các em không còn phải lo chỗ ở, không phải lo bữa ăn hàng ngày. Ảnh: MH Đối với học sinh bán trú các em được hưởng đầy đủ các chính sách ưu tiên dành cho học sinh là con em người dân tộc thiểu số. Đó là được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng, được hỗ trợ tiền nhà ở đối với học sinh tự túc nhà ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mức hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở/tháng; được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng (mức hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học). Ảnh: MH Mức hỗ trợ này dẫu chưa phải là nhiều, nhưng những năm qua bằng nỗ lực của các nhà trường, hơn 11.000 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An đã được chăm lo đầy đủ. Trong ảnh: Dù mỗi bữa ăn của học sinh bán trú chưa đến 12.000 đồng, nhưng học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Ải vẫn có thể yên tâm với những bữa ăn chất lượng, sạch sẽ. Ảnh: MH Bên cạnh mô hình trường bán trú, Nghệ An cũng phát triển mô hình trường nội trú. Qua 10 năm triển khai, toàn tỉnh từ 1 trường đã phát triển thành 8 trường PTDTNT với 105 lớp học và 2.774 học sinh (gồm 2 trường THPT và 6 trường THCS ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn) với gần 3.000 học sinh là người DTTS đang theo học. Trong ảnh: Trường PTDTNT THCS huyện Tương Dương - một trong những ngôi trường đầu tiên ở bậc THCS được thành lập và được đầu tư khang trang, hiện đại. Hiện trường có gần 400 học sinh đang theo học. Ảnh: MH Cùng với bậc THPT và THCS, từ vài năm trở lại đây mô hình Trường PTDBT ở tiểu học cũng đã bắt đầu phát triển ở vùng cao Nghệ An. Trong ảnh: Học sinh ở Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lống 1. Ảnh: MH Mô hình ban đầu được hoạt động hoàn toàn "tự phát" tại huyện Kỳ Sơn với buổi đầu mỗi trường chỉ có khoảng 20 - 30 em. Việc triển khai mô hình hoàn toàn là tự nguyện của các thầy giáo, cô giáo. Học sinh bán trú ở bậc tiểu học đa phần đều ở xa điểm trường chính và tập trung chủ yếu từ lớp 3 đến lớp 5. Ảnh: MH Hiện mô hình bán trú tiểu học đã phát triển đến các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông ... nhưng điều kiện hoạt động vẫn rất khó khăn, đặc biệt là nơi ăn, ở, sinh hoạt. Tại nhiều trường ở Kỳ Sơn, trung bình hiện nay học sinh bán trú vẫn phải ở chen chúc 40 học sinh/phòng. Ảnh: MH Tại Trường Tiểu học Mường Típ 2 (Kỳ Sơn), vì thiếu phòng ở nên nhà trường phải tận dụng phòng học để làm phòng ngủ cho học sinh. Ảnh: MH Điều kiện sinh hoạt ở Trường PTDTBT Tiểu học Mường Ải 2 cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ có mô hình này việc duy trì sỉ số và nâng cao chất lượng dạy học mới được đảm bảo. Ảnh: MH Từ hiệu quả của mô hình này, sắp tới Nghệ An sẽ tiếp tục rà soát để xây dựng các mô hình Trường PTDTBT tiểu học trên toàn tỉnh. Đây sẽ là căn cứ để các trường được đổi tên trường và được thực hiện các chế độ, chính sách theo như quy định của trường bán trú. Việc thực hiện mô hình này cũng là căn cứ để các trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018, tiến tới sáp nhập các điểm trường lẻ và giúp học sinh được thụ hưởng đầy đủ các chương trình, đặc biệt là được tiếp cận với các môn Tin học, Ngoại ngữ. Ảnh: MH