Một thực tế rất dễ nhận thấy trong quá trình thực hiện cổ phần hoá (CPH) ở tỉnh ta là bên cạnh những doanh nghiệp (DN) biết khai thác cơ hội để vươn lên sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, thì cũng có không ít DN "trượt dốc" do thiếu kinh nghiệm quản lý, chưa có phương án sản xuất - kinh doanh phù hợp, và thiếu sự "bao cấp" của Nhà nước...
Nhiều DN một thời "hoàng kim", nhưng sau CPH không phát triển được thương hiệu mà còn bị mờ nhạt hình ảnh, như: Công ty CP Xi măng VLXD Cầu Đước, Công ty CP Du lịch, Công ty thương mại miền núi, Công ty CP Cao su, Công ty CP Da Vinh, Công ty CP chế biến và xuất khẩu súc sản...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sau khi CPH, các DN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đòi hỏi sự cạnh tranh rất lớn, trong khi bản thân DN vẫn chưa xây dựng và khẳng định được thương hiệu, thậm chí một số DN bị rào cản do việc thẩm định giá trị DN chưa chính xác, việc xử lý tài chính, giải quyết lao động dôi dư không dứt điểm. Đặc biệt, có DN khi tiến hành CPH thì được xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến tài chính, nhưng sau khi hoạt động theo hình thức mới, cơ quan chức năng lại thông báo nợ cũ chưa được...xử lý!?. Vậy mới xẩy ra hiện tượng: Sau CPH, DN vẫn treo nợ cũ.
Dây chuyền sản xuất xi măng tại Công ty CP Xi măng và VLXD Cầu Đước đã lạc hậu, nguyên nhân thiếu vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, sau khi chuyển đổi hoạt động sang hình thức CPH, các DN "tự bơi" trên thương trường mà rất ít nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số doanh nghiệp cho rằng: "Trước đây được Nhà nước bảo lãnh nên vay vốn ngân hàng rất thuận lợi, nhưng sau khi CPH việc này rất khó khăn, các ngân hàng yêu cầu có thế chấp, đã vậy giải quyết vốn không tương ứng với giá trị thế chấp của DN. Và rất nhiều cấp, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm, đối với các DN CPH".
Theo thống kê, tổng số vốn đầu tư cho kinh doanh cho toàn khối là 18.948 triệu đồng và tạo điều kiện cho vay vốn kinh doanh là 11.824 triệu đồng. Ngoài ra, có hỗ trợ đào tạo lại lao động và các "hỗ trợ khác" nữa nhưng vẫn chưa tới 20 tỷ đồng. Tất cả các nguồn vốn ấy so với nhu cầu thực tế của DN là quá ít, bởi trước khi chuyển đổi cơ chế, các DN có vốn Nhà nước còn chiếm ưu thế, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Giống như con thuyền mắc cạn, cần một "cú hích" thật mạnh về vốn mới "vượt cạn".
Qua hơn 10 năm sản xuất - kinh doanh của 166 doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi cũng bộc lộ những bất cập. Chẳng hạn, trong một số doanh nghiệp, quan hệ giữa chủ sở hữu (cổ đông trong công ty cổ phần) và người lao động nói chung chưa rõ ràng về quyền và nghĩa vụ. Tổ chức bộ máy quản lý và hệ thống kinh doanh của DN chưa được đổi mới, phương thức quản trị, điều hành chậm thay đổi, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao...
Việc sắp xếp, đổi mới tại một số DN mới thể hiện về hình thức, chưa có sự đổi mới về chất của quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, công tác quản lý vốn của Nhà nước tại DN có vốn nhà nước từ 51% trở lên chưa có sự thống nhất (nơi thì do các Tổng công ty, các ngành cấp trên quản lý, có nơi do tỉnh quản lý...), việc cử người đại diện quản lý phần vốn Nhà nước ấy chưa thật chặt chẽ.
Từ đó dẫn đến một số DNCP còn vi phạm Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty. Việc quản lý của Nhà nước đối với DN, nhất là các DNCP còn buông lỏng, không phân rõ vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với DN.
Nguyên nhân của những hạn chế trên vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan. Về khách quan, đó là do chịu ảnh hưởng xấu của biến động phức tạp của thị trường, của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế gây áp lực trực tiếp với các DN nhỏ và vừa.
Mặt khác, hệ thống văn bản pháp lý như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế... luôn có sự bổ sung, điều chỉnh, gây lúng túng, khó khăn cho các DN. Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho hoạt động của DN.
Về mặt chủ quan: các DN vẫn trong tình trạng tư duy kinh tế, tác phong, lề lối làm việc như thời bao cấp: thụ động, chậm đổi mới. Vấn đề quản trị, điều hành DN còn lúng túng, hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát tại một số DNCP chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
Nhìn chung, hầu hết các DN ở Nghệ An là DN nhỏ, vốn điều lệ ít, chưa có thương hiệu, không có sản phẩm chủ lực công nghệ, thiết bị lạc hậu, sức cạnh tranh thấp, nhiều DN chưa xây dựng được chiến lược, phương án kinh doanh có hiệu quả.
Tỉnh ta được đánh giá là địa phương thực hiện khá tốt công tác CPH. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần tổ chức việc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực hiện và có cơ chế chính sách phù hợp cho các DN hoạt động theo mô hình CPH phát triển. Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho DNCP tiếp cận các nguồn vốn, tiếp cận thị trường để tăng sức cạnh tranh. Thực hiện bình đẳng chính sách giữa doanh nghiệp nhà nước và các công ty cổ phần.