(Baonghean) - Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Nghệ An thành lập ngày 16/10/1991, theo Quyết định số 564/UB.QĐ của UBND tỉnh Nghệ An, đến nay đã được 24 năm; là một tổ chức quần chúng nghề nghiệp, là thành viên của khối văn học nghệ thuật, đồng thời là tổ chức cơ sở của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Hội hoạt động theo Điều lệ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Hiện, hội có 62 hội viên: 30 hội viên Trung ương và 32 hội viên địa phương.
Hội VNDG Nghệ An hoạt động trên 3 lĩnh vực: Sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Nghệ. Phối hợp với các ngành, các cơ quan có liên quan để tiến hành hoạt động và biên soạn các công trình về văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Nghệ. Phổ biến, truyền dạy, giới thiệu văn hóa dân gian, nhất là văn hóa dân gian xứ Nghệ để làm sống lại những giá trị chân chính trong tâm thức, trong đời sống nhân dân.
Hoạt động của hội đã có công rất lớn, đóng góp đánh thức tiềm năng văn hóa dân gian Nghệ An nói riêng và xứ Nghệ nói chung. Nhiều công trình, đề tài khoa học lớn, quan trọng được thực hiện thành công, như: Ca giao Nghệ Tĩnh (2T.); Kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ (3T.); Kho tàng vè xứ Nghệ (9T.); Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh; các tập sách địa chí văn hóa các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn châu, Tương Dương, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và hiện nay là bộ sách đồ sộ Nghệ An toàn chí 22 tập, đã in được các tập: Ca dao, Truyện kể và Giáo dục của Ninh Viết Giao, Phong tục, tập quán xứ Nghệ của Lê Tài Hòe, Văn học trung đại của Nguyễn Thanh Tùng – Hoàng Minh Đạo, Lịch sử của Trần Minh Siêu.
Sau đại hội nhiệm kỳ III vào năm 2006, hội bước vào giai đoạn sung sức, các hội viên hoạt động tích cực trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của hội. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian được các hội viên tích cực tham gia. Mặc dù phần lớn các hội viên đã nghỉ hưu, lao động tự nguyện theo sở thích, nhưng các công trình đã được công bố, phổ biến và truyền dạy lại là những thành tích nổi bật mà không dễ có được.
Về hoạt động sưu tầm, nghiên cứu khoa học, hội đã có các đề tài, công trình thuộc Trung ương đầu tư như: Văn hóa phồn thực của PGS. Ninh Viết Giao; Văn hóa làng Phú Đa của hội viên Nguyễn Xuân Đức; Văn hóa vùng Anh Sơn của Nguyễn Thanh Tùng; Chế tác khèn bè dân tộc Thái của Lê Tài Hòe (Bộ VH-TT đặt hàng); Văn hóa dân gian làng Xuân Úc, Quỳnh Liên, Quỳnh Lưu của Trần Hữu Đức.
Các công trình, đề tài do hội địa phương đầu tư, năm 2007 có: Hát Giao duyên Thái của Lô Khánh Xuyên; Ca trù phường Yên Lý của Hoàng Nghĩa Nguyên. Năm 2008 có: Khèn Mông Nghệ An của Dương Hồng Từ; Chàng Hủn và nàng Ny của Vi Văn Thứa; Dòng Chấu – Cấu khòe của Lô Khánh Xuyên; Văn hóa dân gian Đa Cái của Nguyễn Thanh Tùng; Các nhà Folklor xứ Nghệ của Phan Bá Hàm. Năm 2010: Làng Vạn Lộc, một vùng đất văn hiến của Hoàng Anh Tài; Một số vấn đề dạy văn học dân gian trong nhà trường của Hoàng Minh Đạo; Văn hóa dân gian làng Liên Trì của Phan Bá Hàm – Nguyễn Tâm Cẩn; Văn hóa dân gian xã Tam Sơn, Anh Sơn của Nguyễn Thanh Tùng; Đình làng ở Yên Thành của Phan Xuân Thành; Đồng Giao Thái của La Quán Miên; Chuyện mường Khủn Tinh của Sầm Văn Bình; Lịch sử đền Chín Gian của Lô Khánh Xuyên. Năm 2011: Những bài dân ca, dân nhạc dân tộc Thổ của Dương Hồng Từ; Truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn của Hoàng Minh Đạo; Văn hóa dân gian xã Tri Lễ của Nguyễn Thanh Tùng; Thành ngữ Thái Nghệ An của Quán Vi Miên; Cúng Phi hương người Thái của Sầm Văn Bình; Tràng Sơn, một làng văn hóa dân gian của Phan Bá Hàm - Nguyễn Tâm Cẩn. Năm 2012: Đình làng các huyện trung du miền núi của Phan Xuân Thành; Hồn quê làng Phù Ninh của Phan Bá Hàm - Nguyễn Tâm Cẩn; Nơi khởi đầu huyền thoại của Sầm Văn Bình. Năm 2013: Văn cúng gia tiên của người Thái của Sầm Văn Bình; Văn hóa vùng chiêm trũng của Phan Bá Hàm - Nguyễn Tâm Cẩn; Truyện cố Bợ trong văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh của Nguyễn Thanh Trâm; Tiếng Nghệ trong vè xứ Nghệ của Bùi Thị Đào; Những mẫu chuyện truyền thuyết về đình làng của hội viên Phan Xuân Thành; Văn hóa dân gian dân tộc Thổ của hội viên Quán Vi Miên; Cẩm nang việc tang của hội viên Thái Huy Bích; Phật giáo xứ Nghệ bước thăng trầm và tâm thức dân gian của Đào Tam Tỉnh - Hồ Mạnh Hà. Năm 2014: Tang lễ của người Thổ Mọn của Dương Hồng Từ; Ứng dụng motíp vào từ điển thần thoại của Nguyễn Thanh Trâm; Tìm hiểu thể loại truyền thuyết người Việt của Hoàng Minh Đạo; Đám cưới người Thái ở Quỳ Hợp của La Quán Miên; Tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Thái ở vùng đường 7 của Bùi Thị Đào; Các vị thần sông nước của Đào Tam Tỉnh - Trần Mạnh Cường; Quy trình, lễ tục cưới hỏi của người Việt của Lê Tài Hòe… Đó là các đề tài nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa dân gian của các dân tộc, từng dân tộc, từng miền, vùng đất cho đến các làng xã, các địa phương trên đất Nghệ An.
Ngoài các đề tài về văn hóa dân gian, các hội viên còn bỏ công sức viết nhiều cuốn sách về địa chí, văn hóa, lịch sử các địa phương, các chuyên đề về đất nước, con người, di tích, danh thắng Nghệ An, xứ Nghệ, như: Nam Đàn địa linh nhân kiệt của Trần Minh Siêu; Hoàng Tá Thốn, một tướng lĩnh tài ba của Hoàng Anh Tài; Làng cổ Anh Sơn của Nguyễn Thanh Tùng; Những thầy thuốc danh tiếng trên đất Nghệ của Hoàng Anh Tài; Đông Khê Nguyễn Thúc Tự trong lòng dân xứ Nghệ của Hoàng Anh Tài;
Các công trình, sách của hội viên đã được xuất bản: Một số vấn đề về dạy học VHDG trong nhà trường của Hoàng Minh Đạo; Tìm trong di sản văn hóa xứ Nghệ, Kênh nhà Lê lịch sử và Huyền thoại và Di tích đền Khách Duệ và mộ tướng Ninh Vệ của Đào Tam Tỉnh; Thi Pháp truyện cổ tích của Nguyễn Xuân Đức; Sắc phong Nghệ An của Đào Tam Tỉnh (chủ biên); Thể Phú trong VHVN trung đại và văn học chính luận Việt Nam trung đại của Phạm Tuấn Vũ; Cửa Lò – linh khí một vùng sông nước của Hoàng Anh Tài và Đào Tam Tỉnh; Cẩm nang việc tang của Thái Huy Bích; Tục ngữ làng ta của Lê Tài Hòe – Nguyễn Văn Tùng
Hội cũng đã có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm, nghiên cứu, truyền bá về Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Đặc biệt trong thời gian 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh cho lập hồ sơ trình UNESCO xin công nhận Dân ca ví, giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các hội viên của hội đã tích cực tham gia đóng góp quan trọng cho thành công, như các lão nhân trong nghề Lê Hàm, Thanh Lưu, Đình Bảo, Song Thao, Phan Thành… Trong năm 2014, có 6 hội viên tham gia Hội thảo quốc tế về Dân ca ví, giặm gồm: Nguyễn Xuân Đức tham luận Vấn đề bảo tồn Dân ca Nghệ Tĩnh, Hoàng Minh Đạo với Giá trị văn hóa và sức lan toả của Dân ca ví, giặm xứ Nghệ; Lê Tài Hòe với Đặc điểm độc đáo của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh từ góc nhìn lịch sử, xã hội; Đặng Thanh Lưu với Bảo tồn và phát huy Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; Đào Tam Tỉnh với Dân ca ví, giặm qua sách, tài liệu ở thư viện và Thư mục sách, tài liệu về Dân ca ví, giặm xứ Nghệ; Lê Hàm trình bày Về sự kế thừa âm nhạc Dân ca xứ Nghệ trong các ca khúc trữ tình và cách mạng.
Như vậy, chỉ tính riêng chức năng sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến văn hóa, văn nghệ dân gian, thống kê sơ bộ đã có 63 công trình nghiên cứu khoa học, 18 công trình được in thành sách với hàng vạn trang in, đăng hàng trăm bài báo, tạp chí ở Trung ương và trong tỉnh.
Về chức năng phối hợp, liên kết với các ngành, các tổ chức xã hội để truyên truyền về văn hóa dân gian. Trong nhiệm kỳ qua mặc dù ngân sách hạn hẹp, nhưng hội đã làm được một số việc lớn như biên soạn bộ sách Toàn chí về Nghệ An, tổ chức một số hội thảo khoa học về danh nhân, về di tích văn hóa ở Nghệ An có tầm ảnh hưởng quốc gia, cụ thể như sau: Hội thảo khoa học về chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu; Hội thảo khoa học về đền Cờn và tứ vị thánh nương; Hội thảo khoa học về đình Nguyên Thám hoa Phan Thúc Trực; Hội thảo khoa học về đền thờ thần rắn Hạc linh sơn tự ở Diễn Châu; Hội thảo khoa học về Cao Xuân Dục, - vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Việt Nam; Hội thảo khoa học về Dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ; Hội thảo khoa học về danh nhân canh tân Nguyễn Trường Tộ; Hội thảo khoa học về Phật giáo xứ Nghệ, quá khứ, hiện tại và tương lai; Hội thảo khoa học về nhà yêu nước Nguyễn Biểu…
Về chức năng truyền dạy: Ngoài Trường Đại học Vinh, Cao đẳng VH-NT Nghệ An, các hội viên tham gia giảng dạy về văn hóa, văn nghệ dân gian, lâu nay Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An cũng là nơi chắp cánh cho các hội viên trên lĩnh vực âm nhạc truyền bá giảng dạy vốn di sản ví, giặm cho nhân dân xa gần. Đóng góp trên lĩnh vực này có các hạt nhân tiêu biểu như: Phạm Tuấn Vũ, Hoàng Minh Đạo, Lê Tài Hòe, Trương Văn Tiếu, Lê Hàm, Thanh Lưu, Tiến Dũng, Đình Bảo, Phan Thành, Văn Thế, Lệ Thanh...
Thành tích của hội được các cấp, lãnh đạo đánh giá tốt và được thể hiện qua các cờ thi đua xuất sắc, huân, huy chương, bằng khen, giải thưởng của Trung ương, tỉnh. PGS. Ninh Viết Giao được tặng Huân chương Lao động và Giải thưởng Nhà nước đợt I (2001), được công nhận kỷ lục Guinness là người có nhiều công trình VHDG nhất về xứ Nghệ. Nhiều hội viên của hội đã vinh dự được nhận giải thưởng từ 1 đến 4 - 5 lần. Đó là giải thưởng tác phẩm hàng năm của Hội VNDG Việt Nam, Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An và một số giải Vàng, Bạc trong các đợt hội diễn văn nghệ toàn quốc và trong tỉnh…
Hướng tới Đại hội nhiệm kỳ mới (2015 - 2020), hội sẽ phát huy tiếp các thành tích kể trên, khắc phục khó khăn, động viên các hội viên tích cực đóng góp cho sự nghiệp phát triển VHDG Nghệ An.
Đào Tam Tỉnh