Những cảm xúc thời trai trẻ khi đặt chân đến Hoàng Sa và những ngày  sống và làm việc miệt mài trên quần đảo này vừa được cựu nhân viên nha khí tượng Võ Như Dân(SN 1937) bồi hồi kể lại.

 

Vui sống với ký ức về Hoàng Sa

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Diệu (P.Bình Hiên, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), dù đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", mắt đã mờ, tai đã điếc, nhưng ông Dân vẫn còn rất minh mẫn, bồi hồi kể lại ký ức một thời sống và làm việc ở Hoàng Sa. 


Hồi ấy, khi là nhân viên Trạm quan trắc đảo Hoàng Sa, thuộc Nha Khí tượng Sài Gòn (trước năm 1975), ông Võ Như Dân chỉ mới là thanh niên 19 tuổi.Vào làm việc tại Nha Khí tượng Sài Gòn từ tháng 2/1955, đến năm 1956, thì ông Dân được điều luân phiên ra làm việc tại Hoàng Sa.

 

 779820_small_79438.gif


Ông Võ Như Dân, nguyên nhân viên Trạm Quan trắc đảo Hoàng Sa, thuộc Nha Khí tượng Sài Gòn (trước năm 1975) kể lại những kỷ niệm khó quên trong thời gian hơn 10 năm ở Hoàng Sa 
 

 

Ông kể, Trạm quan trắc đảo Hoàng Sa được Pháp xây dựng từ năm 1932 mang số hiệu 48860. Ông nhớ như in những ký hiệu về nhóm 48 là chỉ vùng Đông Nam Á, số 860 dùng cho trạm Hoàng Sa.

Trạm chính thức hoạt động vào năm 1938. 


Trạm được xây rất kiên cố, tường dày 40-50cm, mái đúc bê tông, xung quanh có hành lang đi bộ. Trên Trạm có 5 nhân viên, gồm 3 quan trắc viên, 1 nhân viên vô tuyến điện và 1 nhân viên phục vụ. 


"Mỗi nhiệm kỳ công tác từ 3 tháng đến 3 tháng rưỡi, có khi đến 4-5 tháng mới về. Ba người của tổ phục vụ là tôi, ông Miểu và ông Yên cứ người xoay vòng luân phiên nhau. Nên có năm tôi ra đảo đến 2 lần. Nhiệm vụ của chúng tôi là tham gia đo đạc các thông số khí tượng, đặt bóng, phục vụ đời sống cho các quan trắc viên của trạm. 


Lần đầu tiên tôi ra Hoàng Sa thay cho ông Miểu, lúc đó đứa con đầu lòng của tôi mới tròn 1 tuổi, nhưng cũng phải xin mãi chủ Tây mới cho đi. 


Lần nớ, tôi ra đảo bằng 1 chiếc tàu há mồm đổ bộ của hải quân Pháp. Tàu to lắm, mang số hiệu 401 hay 402, 403 chi đó. Tàu đi từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, mang theo rất nhiều lương thực, sữa, gạo… rồi đón tụi tôi ra Hoàng Sa. Vì vừa đi, vừa tuần tra nên từ chiều tối hôm ni đến mờ sáng hôm sau mới đến nơi". 


 

Hình ảnh Trạm quan trắc khí tượng trên đảo Hoàng Sa do người Pháp xây dựng năm 1932 

 

Lần khác ra Hoàng Sa thì đi bằng tàu nhỏ, mũi nhọn dạng tàu tuần tra, tàu này chạy nhanh, chỉ khoảng 5 tiếng là ra tới nơi. Mà tàu "chi cũng rứa", muốn xuống đảo phải tăng bo tàu nhỏ qua bãi cạn, vì từ bờ ra biển đến hàng trăm mét vẫn cạn. Từ tàu nhìn vào đảo chỉ thấy mấy cây cần ăng ten như cái cột buồm mờ mờ, ảo ảo. 

 

“Tôi nhớ như in, Hoàng Sa lúc bấy giờ chỉ có một bãi thông cao, chủ yếu là cây nhào thấp lúp xúp nên không thể ngăn gió bão. Xung quanh đảo có 4 cái lô cốt, 1 cái miếu Bà xây hướng về Đà Nẵng. Trước đầu cầu dẫn lên đảo có 1 cái đồn để Vua ở. Trong đảo có 4 cái nhà, một nhà thờ, nhà bếp, giếng nước, cầu tàu bị sóng đánh toạc một bên, còn lại là toàn bãi trống, cây lúp xúp đến hàng km2” - Dân nhớ lại.


Trên đảo, ngoài nhân viên Trạm khí tượng còn có lính Pháp đồn trú ở cạnh đó, "nên cũng vui". Theo ông Dân, mọi người còn cùng nhau bắt cá, chia sẻ nhau nước ngọt để uống…"Nước trên nớ hiếm lắm, phải hứng nước mưa trữ trong hầm để dùng dần. Ngoài ra cũng có nước ngầm, nhưng hơi lợ. Nhiều tàu cá bị nạn, hết nước cũng hay chạy vô đảo xin nước ngọt". 

 

Mặc dù mỗi chuyến tàu từ đất liền ra đảo đều chở rất nhiều lương thực, nhưng có nhiều tháng trời, mọi người phải đối diện với tình trạng thiếu lương thực khi tàu tiếp viện không đến kịp.Vì vậy, những ngày thời tiết tốt, ngoài giờ làm thì mọi người đi câu cá, bắt ốc về ăn. Những lúc bắt được nhiều thì phơi khô để dành cho những ngày mưa bão, còn nữa thì mang về cho vợ con.


 

Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa cũng do người Pháp xây dựng 

 

Vẫn theo hồi ức của ông Dân, mùa mưa bão ở Hoàng Sa "khắc nghiệt khỏi nói, mưa gió không thể làm được cái chi mà chỉ có ngồi nhìn về đất liền". Khi lương thực dự trữ cạn dần thì bắt những con chim trú bão bay lạc vào trạm để ăn sống qua ngày chờ cứu viện.

 

Mơ một ngày được trở lại Hoàng Sa

 

Cầm trên tay cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa, ông Dần bần thần nói: “Từ khi vào làm ở Nha khí tượng cho đến khi xin nghỉ về vì bệnh, không năm nào tui không ra đảo. 


Hơn 10 năm đi về ở Hoàng Sa chớ ít đâu. Ra đảo hoài nên khi về nhà đâm nhớ đảo. Nhớ ghê lắm. Nhớ từng ngóc ngách của Trạm, từng mép sóng, từng bãi cạn, từng con nước lên xuống... Nhớ cả những người còn sống cho đến những người xấu số lạ mặt phải nằm lại trên đảo…”.

 

“Nói thiệt hồi nớ, đi là đi, chớ cũng nhớ nhà lắm, nhưng cứ công việc làm riết cũng quen, bớt nhớ nhà. Rứa chớ về nhà là lại nhớ đảo. Nhiều khi nhớ Hoàng Sa mà đêm khi ngủ cứ nằm mơ thấy mình đang ở Hoàng Sa, đang cùng các anh em làm việc, đánh điện, gửi báo cáo về Sài Gòn” - ông Dân xúc động.

 

Người cựu nhân viên nha khí tượng bồi hồi: "Anh em trong đội thì dần dần cũng ra đi. Bây giờ tôi già rồi, sống cùng con cháu nhưng tôi vẫn mơ một ngày gần nhất được thăm lại Hoàng Sa yên bình - trước khi tôi về với đất. Tôi nhớ Hoàng Sa lắm”.
Theo VTC-M