Đó là những thông tin được đưa ra tại Đại hội đại biểu Hội Kinh tế trang trại tỉnh Nghệ An lần thứ II, nhiệm kỳ 2019-2024, diễn ra chiều 12/1 tại TP Vinh.
Dự  lễ có đồng chí Đinh Viết Hồng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có đại diện Hội Trang trại và Hội Làng nghề Trung ương; đại diện một số sở ngành, hiệp hội liên quan. 
anh_quang_canh_dh___anh_nguyen_hai7971235_12120195857814_1212019.jpgToàn cảnh Đại hội Hội kinh tế Trang trại Nghệ An nhiệm kỳ II (2019-2024). Ảnh: Nguyễn Hải
Sau 5 năm thành lập, Hội Kinh tế trang trại đã phát triển từ 100 thành viên chủ trang trại ban đầu lên 270 thành viên.
Sau Đại hội nhiệm kỳ 1, Ban chấp hành Hội đã triển khai nhiều giải pháp tập hợp hội viên, tổ chức tập huấn cho hàng nghìn chủ trang trại; tổ chức thành công hội nghị đại biểu trang trại điển hình tiên tiến lần thứ nhất và đối thoại giữa hội với lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, các ngân hàng trên địa bàn...

Nhờ nỗ lực vươn lên của các chủ trang trại và các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, đến nay, Nghệ An có 5.600 gia trại và 912 trang trại đạt tiêu chí, bình quân mỗi trang trại có vốn 509 triệu đồng (trong đó vốn tự có chiếm khoảng 70%).

Trang trại vịt bầu Quỳ của doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu. Ảnh: Tư liệu
Bình quân mỗi năm, các trang trại trên địa bàn cung cấp 24 nghìn tấn thịt lợn, hàng trăm tấn tôm và gần 13 nghìn tấn chè khô các loại, trên 32 nghìn tấn cam, quýt; bình quân mỗi trang trại sử dụng từ 4-5 lao động với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức được các hoạt động xã hội khác như: Kêu gọi ủng hộ Tết vì người nghèo, tham gia hội thảo làng nghề, đại hội làng nghề toàn quốc…
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ mới của Hội. Ảnh: Nguyễn Hải
Phát biểu tại đại hội, đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng Đại hội Hội Kinh tế trang trại nhiệm kỳ II. Bên cạnh ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của Hội trong nhiệm kỳ qua đối với kinh tế xã hội tỉnh nhà, đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế trong hoạt động Hội như: Ban chấp hành cần hoạt động chuyên sâu hơn, một số địa phương chưa có chi hội, hoạt động kinh tế trang trại còn mang tính tự phát nên hiệu quả hoạt động chưa cao, các trang trại còn khó tiếp cận với nguồn vốn vay, tính liên kết còn hạn chế…
Đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh đề nghị, thời gian tới Hội Kinh tế trang trại cần phối hợp với các sở ngành tuyên truyền chủ trương xây dựng kinh tế nông nghiệp, nông thôn, quan tâm xây dựng thương hiệu, chú trọng hội viên có chất lượng và quan tâm đến hoạt động của hội, thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong tổ chức hội.
Các đại biểu dự Đại hội nhiệm kỳ II Hội kinh tế Trang trại Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Tại đại hội, trên cơ sở thảo luận và chọn mô hình tổ chức phù hợp, Đại hội nhiệm kỳ 2 đã thống nhất đổi tên Hội kinh tế Trang trại thành Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh.
Hội phấn đấu nhiệm kỳ 2019-2024 thành lập mới từ 45-50 HTX kiểu mới và từ 1- 2 Liên hiệp HTX trang trại hoặc nghề thủ công mỹ nghệ; 100% trang trại hội viên chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, làm ăn có lãi và phấn đấu kết nạp được 40-50% trang trại và 30% cơ sở vào Hội...
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 4 tập thể và 5 cá nhân có thành tích trong công tác phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Nguyễn Hải
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 5 cá nhân, Trung ương Hội Trang trại Việt Nam tặng Bằng khen cho 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024 gồm 47 ủy viên và ông Nguyễn Văn Bính được tái cử làm Chủ tịch Hội.