Hội thảo diễn ra trong bối cảnh năm học này là năm đầu tiên lớp 1 triển khai học sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018.

bna_cac_dai_bieu_phat_bieu_tham_luan_tai_hoi_thao_anh__mh4330849_29122020.jpegCác đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: MH

Tại Nghệ An, trong năm đầu triển khai, tỉnh đã có sự chuẩn bị khá tốt như ưu tiên bố trí đủ lớp học, ưu tiên bố trí giáo viên lớp 1 với tỷ lệ 1,4 giáo viên/lớp và thực hiện quy hoạch mạng lưới giáo viên, dồn dịch trường lẻ, giảm 16 trường và xóa 11 điểm lẻ so với năm 2019 – 2020. Đặc biệt, Nghệ An đã tổ chức tập huấn cho hơn 2000 giáo viên lớp 1 để nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, giúp giáo viên chủ động trong quá trình triển khai chương trình.

Hiện, toàn tỉnh có 2022 lớp 1 và có 87% lớp học học 32 tiết/tuần trở lên, 86,6% dạy học tiếng Anh lớp 1 theo hình thức tự chọn. Nhiều trường học đã triển khai thực hiện giáo dục địa phương, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MH.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai chương trình lớp 1 vẫn còn những khó khăn, nhất là trong điều kiện nhiều trường học còn thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học chưa đảm bảo với nhiều trường thuộc vùng khó như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương. Ngoài ra, chương trình mới có nhiều thiết kế nặng hơn so với chương trình cũ và việc xây dựng chương trình của các nhà trường trong năm đầu tiên còn có những lúng túng, khó khăn.

Với tinh thần trên, tại hội nghị, gần 150 đại biểu là giáo viên cốt cán ở các nhà trường và đại diện của 21 phòng giáo dục và đào tạo trong tỉnh đã có nhiều tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai chương trình dạy học lớp 1 và dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ giáo viên toàn tỉnh trong năm đầu tiên triển khai chương trình thay sách giáo khoa lớp 1, so với cả nước Nghệ An đã linh hoạt và có nhiều đổi mới, sáng tạo để khắc phục những khó khăn.

Tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 1 - Trường Tiểu học Nghi Phú 2 (thành phố Vinh). Ảnh: MH

Để triển khai chương trình mới một cách hiệu quả, trên tinh thần định hướng phát triển, phẩm chất năng lực người học, giám đốc Sở cũng đề nghị các giáo viên phát huy tính chủ động, tổ chức dạy học lấy học sinh làm trung tâm, hướng đến người học và dạy cho học sinh tư duy, dạy cách học thay vì dạy lý thuyết, một chiều như trước đây.

Bên cạnh đó, giáo viên cần bỏ tư duy lệ thuộc sách giáo khoa bởi sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo chứ không phải pháp lệnh như trước đây. Đồng thời, phải biết vận dụng kiến thức, đưa kiến thức vào trong cuộc sống và chú trọng vào đánh giá năng lực của từng học sinh, đảm bảo chuẩn đầu ra.

Thời gian tới, ngành giáo dục Nghệ An cũng sẽ chỉ đạo các trường tăng cường thăm lớp, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường và tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để chuẩn bị thay sách cho các năm tiếp theo.