bna_toan_canh_hoi_thao4176362_692020.jpgToàn cảnh Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Xô viết Nghệ - Tĩnh: Sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử”. Ảnh: Thành Duy
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Đình Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh; Thái Thanh Quý -  Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đồng chủ trì Hội thảo.

Dự hội thảo về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Lam - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương; các nhà khoa học;...

Dự hội thảo về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; lãnh đạo một số Ban Đảng của Tỉnh ủy và một số huyện, thành, thị…

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí: Hoàng Trung Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Tiến Hưng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;...

Các đồng chí chủ trì Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Xô viết Nghệ - Tĩnh: Sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử”. Ảnh: Thành Duy

LÀM SÁNG TỎ THÊM Ý NGHĨA TO LỚN CỦA XÔ VIẾT NGHỆ - TĨNH

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son chói lọi, mở đầu cho lịch sử hào hùng, oanh liệt của cách mạng Việt Nam; đánh dấu việc Đảng ta - một Đảng cách mạng dù còn rất non trẻ, lần đầu tiên đã thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết và huy động quần chúng Nhân dân.

Đây cũng là minh chứng hùng hồn về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên Chủ nghĩa xã hội. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu Khai mạc và đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm sáng tỏ 4 nội dung cơ bản gồm: khẳng định và làm sâu sắc hơn thành quả, ý nghĩa to lớn của phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò của quần chúng Nhân dân, đặc biệt là sự hình thành của khối liên minh công nông, nòng cốt để thu hút các tầng lớp Nhân dân trong mặt trận đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. 

Khẳng định những bài học kinh nghiệm sâu sắc của phong trào cách mạng 1930 -1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam; phát huy tinh thần và những giá trị của Xô viết Nghệ - Tĩnh trong xây dựng quê hương Nghệ An và Hà Tĩnh, cũng như cả nước.

Đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: Thành Duy

KHẲNG ĐỊNH SÂU SẮC BÀI HỌC LẤY NHÂN DÂN LÀM GỐC 

Trên cơ sở đó, Hội thảo đã nghe các tham luận với các chủ đề như: Xô Viết Nghệ Tĩnh và một số vấn đề về chính quyền cách mạng ở Việt Nam sau Xô viết Nghệ - Tĩnh; Sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh đối với phong trào cách mạng 1930 -1931 và Xô viết Nghệ  - Tĩnh;...

Tham dự Hội thảo, thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đã trình bày tham luận với chủ đề: “Sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An đối với phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh”.

Theo đó, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930, hưởng ứng chủ trương của Đảng, những năm 1930 - 1931, một phong trào cách mạng đã bùng nổ và nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Nghệ An trở thành trận địa chính trong cuộc diễn tập đầu tiên của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Tháng 3/1930, Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ định hình thành hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An, đó là Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy và Tỉnh bộ Nghệ An. Sự ra đời của các đảng bộ lâm thời ở Nghệ An có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tập hợp và phát động quần chúng đứng lên tiến hành cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, trực tiếp là Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy và Tỉnh bộ Nghệ An, hòa nhịp với phong trào đấu tranh của Nhân dân cả nước, công nông Nghệ An đã vùng lên mạnh mẽ cả ở thành thị và nông thôn.

Tính từ đầu năm 1930 đến tháng 4/1930, toàn tỉnh đã nổ ra 15 cuộc đấu tranh; tiếp đó là cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Vinh - Bến Thủy - được coi là sự kiện “đứng đầu dậy trước” mở màn cho cao trào cách mạng 1930 - 1931 và cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/9/1930 ở Thanh Chương - được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của Xô viết Nghệ - Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những thành quả của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua đội tiên phong của mình là giai cấp công nhân trong mối liên hệ, liên kết chặt chẽ với giai cấp nông dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An trình bày tham luận với chủ đề: “Sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An đối với phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh”. Ảnh: Thành Duy

Trong đó, các đảng bộ lâm thời ở Nghệ An đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tập hợp quần chúng công nông và các tầng lớp đứng lên dùng bạo lực cách mạng đập tan bộ máy chính quyền của địch ở nông thôn, thiết lập nên chính quyền Xô viết của nhân dân lao động. 

Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và còn sơ khai nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã để lại nhiều bài học quý báu, sâu sắc cho tiến trình cách mạng Việt Nam.

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao chất lượng các tham luận, qua đó tạo nên thành công của Hội thảo.

Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trình bày tham luận: Thanh Chương trong cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thành Duy

Hội thảo là dịp để khẳng định ý nghĩa to lớn, tổng kết, hoàn thiện lý luận, làm rõ hơn vai trò của quần chúng Nhân dân trong phong trào 1930  - 1931, vừa là dịp để tôn vinh, tri ân những đóng góp và sự hy sinh to lớn của các liệt sỹ cách mạng tiền bối; đồng thời khẳng định bài học sâu sắc về sức mạnh của quần chúng Nhân dân và tầm quan trọng của vai trò lấy Nhân dân làm gốc. 

Do đó, sau Hội thảo, trên cơ sở các tham luận, Tổ biên tập cần có tổng kết với chủ đề: Sức mạnh quần chúng Nhân dân làm nên lịch sử: Bài học từ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh; từ đó có thể kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư để góp phần hoàn thiện dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đồng thời là cơ sở để đề xuất giải pháp đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh trao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần chú ý biên soạn, chỉnh lý lại để hoàn thiện kỷ yếu của Hội thảo. Đây là tài liệu có giá trị thiết thực cho công tác nghiên cứu tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần thống nhất ý chí, tư tưởng để xây dựng nước Việt Nam hùng cường, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.