Những năm qua, công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta vẫn còn tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, làm cho hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và gây khó khăn cho quá trình thực hiện trong thực tế.
Để hiểu hơn về tình trạng này và những giải pháp hạn chế cài cắm “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật, phóng viên VOV trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
P.V: Thưa Thiếu tướng, trong xây dựng, ban hành các văn bản “nhóm lợi ích” có thể xuất hiện trong tất cả các công đoạn, các khâu có lợi cho các địa phương, đơn vị mà quên đi, hoặc bất chấp lợi ích của cộng đồng. Vậy với việc cài cắm “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật sẽ gây ra hệ lụy, tiêu cực gì cho xã hội?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Trước hết, có thể nói, hoạt động xây dựng pháp luật, nguyên tắc xây dựng luật đã bị xâm hại, tạo ra những văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn. Và từ chồng chéo, mâu thuẫn đó cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, tạo ra những trục lợi về mặt chính sách. Như vậy, tham nhũng từ chính sách đã biến thành tham nhũng kinh tế, tham nhũng tiền tài.
Câu chuyện tiếp theo là chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành đã có sự xung đột và đó là cơ chế để một số bộ, ngành trục lợi chính sách, biến chính sách thành lợi ích vật chất của bộ, ngành mình.
P.V: Ngoài những hệ lụy tiêu cực như Thiếu tướng vừa phân tích, có một điều rất nguy hiểm, đó là “lợi ích nhóm” tấn công vào cán bộ, đảng viên thông qua các hành động hối lộ, quà biếu, quà tặng, làm cho một bộ phận đảng viên mất đi vai trò tiên phong, gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu và trở thành kẻ đồng lõa, trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông bình luận thêm gì về điều này?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Những người manh nha tạo lên, xây dựng “lợi ích nhóm” vốn dĩ họ đã phá vỡ nguyên tắc, họ đã không vì dân, vì nước. Sau đó, từ ý tưởng chính sách, mới thông qua khâu soạn thảo văn bản, thẩm tra, thẩm định. Đến lúc thảo luận, thông qua, với những điều như mọi người vẫn nói là “vận động hành lang”, nhưng tôi nói thật, đi kèm những điều đó là quà biếu và từ những vi phạm này sẽ dẫn đến vi phạm khác.
P.V: Rõ ràng "lợi ích nhóm" bản chất là hành vi tham nhũng và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Mối quan hệ này được hình thành bởi sự cấu kết giữa những người có quyền lực trong hệ thống chính trị với những cá nhân, hay doanh nghiệp, hay nhóm người bên ngoài nhằm tạo ra các quyết định, hoặc tìm cách tác động vào các chính sách để đạt được lợi ích riêng của nhóm họ. Trên thực tế, những biểu hiện này rất tinh vi, theo Thiếu tướng làm sao có thể nhận diện được?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Tôi cho rằng, vấn đề nhận diện này không khó. Khó hiện nay là tổ chức nhận diện hành vi này một cách công tâm, khách quan. Cho nên, câu chuyện phản biện độc lập, con người có tính độc lập để phản biện, và việc tổ chức để những người độc lập này thực hiện việc phản biện có ý nghĩa rất lớn.
Chuyện pháp luật "vênh" so với thực tiễn, tôi khẳng định ngoài nguyên nhân xuất phát từ “lợi ích nhóm” còn một nguyên nhân nữa, đó là câu chuyện xuất phát từ năng lực thực tiễn của người thực hiện chức năng thiết kế chính sách.
P.V: Vậy theo ông, có giải pháp nào để khắc phục hiệu quả thực tế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Tôi cho rằng, ở đây có 3 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp thứ nhất, chúng ta khắc phục hạn chế, bất cập ở cả 3 khâu, đó là xây dựng pháp luật, thẩm định pháp luật và thẩm tra pháp luật.
Nhóm giải pháp thứ hai, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Giải pháp thứ 3 là chúng ta chọn người làm công tác xây dựng pháp luật.
Về vấn đề này, có hai yêu cầu. Một là, kiến thức pháp luật. Hai là, người này phải có bản lĩnh trong việc thẩm định và thiết kế chính sách.
P.V: Mới đây, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo nhằm xây dựng Dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống “lợi ích nhóm” tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Theo Thiếu tướng, việc ban hành quy định của Bộ Chính trị như vậy có tác động như thế nào trong việc chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Nếu xây dựng được một quy định về việc đó, đây sẽ là một công cụ hữu hiệu trong việc đánh giá “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng pháp luật. Qua đó, cũng là một “hàng rào” để ngăn cản hoạt động “lợi ích nhóm” trục lợi trong hoạt động xây dựng pháp luật. Cá nhân tôi cũng rất kỳ vọng vào văn bản này.
P.V: Theo quan điểm của ông, quy định của Bộ Chính trị cần tập trung vào những nội dung cụ thể nào?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Nội dung của quy định này, cần tập trung vào 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất, quy định ngăn chặn những nội dung được đề cập trong mỗi Dự thảo Luật để tránh “lợi ích nhóm”.
Nhóm thứ 2, những quy định để ngăn cản hoạt động “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng luật. Cuối cùng là quy định về xử lý trách nhiệm. Trong thời gian qua, tôi thấy yếu nhất là xử lý trách nhiệm.
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!./.