(Baonghean)- Hỏi: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo có trách nhiệm gì?
 
Đáp: Điều 5 Luật Tố cáo quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo như sau:
 
1.Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo; bảo đảm quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình.
 
2.Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm bố trí trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh. Việc tổ chức tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết theo đúng quy định của Luật Tố cáo, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
 
Hỏi:Quy định về trách nhiệm phối hợp trong việc giải quyết tố cáo của các cơ quan, tổ chức?
 
Đáp: Điều 6 Luật Tố cáo quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáo như sau:
 
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ thông tin, tài liệu có liên quan đến việc tố cáo có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Hỏi:Việc chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được quy định như thế nào?
 
Đáp: Điều 7 Luật Tố cáo quy định việc chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo như sau: Quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành. Người có trách nhiệm chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo mà không chấp hành phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
 
Hỏi:Luật Tố cáo quy định nghiêm cấm những hành vi nào?
 
Đáp: Điều 8 Luật Tố cáo quy định các hành vi sau bị nghiêm cấm:
 
1.Gây khó khăn, phiền hà đối với việc thực hiện quyền tố cáo của công dân.
 
2. Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo.
 
3.Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo.
 
4.Làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình giải quyết tố cáo.
 
5.Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người bị tố cáo.
 
6.Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
 
7. Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết tố cáo.
 
8.Cản trở việc thực hiện quyền tố cáo; đe doạ, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.
 
9. Bao che người bị tố cáo.
 
10. Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo.
 
11. Mua chuộc, hối lộ người giải quyết tố cáo; đe doạ, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.
 
12.Lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
 
13. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.
 
14. Vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo.
 
 
Phòng Bạn đọc