(Baonghean.vn)- 'Không nhất thiết kỳ thi nào cũng cần phải nặng nề rằng học sinh phải đạt được điểm số 9,10. Nếu vậy, chúng ta sẽ gieo vào suy nghĩ của trẻ những bước khởi đầu của bệnh thành tích', Lê Quang Quân, học sinh lớp A1K44 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu chia sẻ.
» Nghệ An báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo vụ đề thi lớp 5 quá khó
» Vụ đề thi lớp 5: Phòng Giáo dục TP Vinh 'nghiêm túc rút kinh nghiệm'
» Đề thi toán lớp 5 ở TP Vinh không đúng với chỉ đạo của Sở GD&ĐT Nghệ An
Đề thi kiểm tra cuối kỳ 2 dành cho học sinh lớp 5 tại thành phố Vinh, Nghệ An đang là một trong những vấn đề nóng trên cả nước trong những ngày qua.
Xung quanh câu chuyện này, trên các trang mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện nhiều làn sóng dư luận và những ý kiến trái chiều. Trong đó, đa số phụ huynh, học sinh cho rằng đề thi quá khó và quá sức đối với mức độ học sinh lớp 5.
Nhìn nhận một cách khách quan về việc này, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định mặc dù khó nhưng đề thi hoàn toàn phù hợp và hợp lý với mục tiêu phân hóa học sinh.
Đối với câu 9 và câu 10 là hai câu được cho là khó và không hợp lý, học sinh hoàn toàn có thể xử lý theo những kỹ năng và kiến thức được học nâng cao hay trong những tài liệu tham khảo.
Riêng đối với câu 10, mặc dù là một câu hỏi khó nhưng kỹ năng và kiến thức vẫn hoàn toàn nằm trong chương trình của học sinh lớp 5. Trong các sách tham khảo hay bài giảng, bài tập luyện tập nâng cao về phân số dành cho học sinh lớp 5 thì dạng bài toán biến đổi tổng các phân số về tổng đan dấu là hết sức phổ biến, thậm chí mang tính toàn cầu.
Câu 10 trong đề thi thực chất xuất phát từ quan điểm tư duy trên và có nâng cao hơn để đòi hỏi tư duy của học sinh.
Như vậy chúng ta có thể thấy đề thi hoàn toàn có thể làm theo kiến thức học sinh lớp 5 và hoàn toàn phù hợp, bởi theo thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016, “Đề kiểm tra định kì phù hợp chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức:
Mức 1: Nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kĩ năng đã học.
Mức 2: Hiểu kiến thức, kĩ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân.
Mức 3: Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống.
Mức 4:Vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt.”
Ở một khía cạnh khác, nếu như học sinh nắm vững kiến thức cơ bản và hoàn thành được 8 câu đầu và câu 9a thì cũng đã đạt được điểm ở ngưỡng 8 và hơn 8. Theo xếp loại điểm ở Việt Nam thì đây là mức điểm khá, còn mức điểm 9-10 là mức điểm giỏi. Vì thế, phụ huynh và học sinh cần phải nhìn nhận thấu đáo về mức độ của điểm số 8,9,10 để chúng ta thấy rằng, kể cả những học sinh không vận dụng được nâng cao và hoàn thành câu 9b, câu 10 thì điểm số 8 mà các em đã dành được cũng thật sự quý giá và đáng tự hào.
Không nhất thiết kỳ thi nào cũng cần phải nặng nề rằng học sinh phải đạt được điểm số 9,10. Nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ gieo vào suy nghĩ của trẻ những bước khởi đầu của bệnh thành tích.
Lê Quang Quân
(Lớp A1K44 trường THPT Chuyên Phan Bội Châu)