(Baonghean.vn) - Hàng trăm câu lạc bộ (CLB) pháp luật được thành lập nhưng hầu như không hoạt động, số CLB hoạt động có hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay, ... đó là thực trạng chung của của các CLB pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Thành lập nhiều, hoạt động không được bao nhiêu
Thống kê chưa đầy đủ, Nghệ An hiện có khoảng trên 3.000 (CLB) pháp luật ở nhiều cơ cơ quan, đoàn thể từ cấp xã đến cấp tỉnh. Các mô hình câu lạc bộ có nhiều tên gọi khác nhau, như: CLB “Trợ giúp pháp lý”, “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “Nông dân với pháp luật”, “Bạn giúp bạn”...
Trong những năm qua, một số CLB pháp luật trên địa bàn tỉnh được nhân rộng, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng và tình hình thực tế của địa phương; qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Mặc dù rất quan tâm đến công tác này nhưng anh Quang cũng phải thừa nhận rằng: “Nhiều CLB chỉ dừng lại ở việc thành lập trên văn bản, một số CLB không duy trì hoạt động thường xuyên nên hiệu quả không cao”, anh Quang cho biết.Theo anh Đặng Đình Quang – Trưởng Ban Tuyên giáo (Tỉnh đoàn Nghệ An) thì hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 500 CLB pháp luật do các cơ sở Đoàn thành lập, rải đều ở các cấp, đặc biệt có sự tham gia của các đơn vị trường học. Có thể kể đến như: Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm; Bạn giúp bạn; Thắp sáng niềm tin; Đội xung kích tình nguyện.
Cùng quan điểm, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cho rằng, hiệu quả hoạt động của các CLB Nông dân với pháp luật trong thực tiễn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thực tế thì hoạt động các CLB Nông dân với pháp luật hiện nay chủ yếu là lồng ghép, nghĩa là trong các sinh hoạt của hội ở các cấp cơ sở, những nội dung về chủ trương, chính sách và pháp luật được đưa vào để tuyển truyền.
Năm 2003, Sở Tư pháp xây dựng mô hình CLB “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” tại phường Lê Mao (TP Vinh). CLB có nhiệm vụ chủ yếu và thường xuyên là tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn những vấn đề liên quan đến pháp luật cho nhân dân; tiếp cận, cảm hóa và giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Và đến năm 2010, CLB tạm dừng hoạt động.
Chia sẻ về lý do ngừng hoạt động, chị Nguyễn Thị Thu Hiền – cán bộ Tư pháp phường Lê Mao (TP Vinh) cho biết: Do không có kinh phí cộng với chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động của đời sống đô thị nên chỉ cầm chừng được mấy năm, CLB đành phải dừng hoạt động.
Khó khăn từ nhiều phía
Theo bà Trần Thị Thúy – Trưởng phòng phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) thì hoạt động của các CLB pháp luật là một nội dung trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người dân. Những năm trước, hoạt động này được chú trọng, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết nhưng trong vài năm trở lại đây thì công tác này hầu như không thực hiện.
“Số lượng các CLB pháp luật trên địa bàn tỉnh là rất nhiều nhưng để lựa chọn ra những câu lạc bộ được đánh giá là hiệu quả thì rất ít. Nguyên nhân là các câu lạc bộ sau khi thành lập ra thường sinh hoạt không đều kỳ, nội dung sinh hoạt đơn điệu, nhàm chán, không thu hút được nhiều các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm các CLB đa phần là kiêm nhiệm, hoạt động không ổn định, hội viên cũng thay đổi thường xuyên nên chưa có tính kế thừa, tiếp nối”, bà Thúy cho biết.
Khó khăn chung của các CLB pháp luật đang gặp phải là vấn đề kinh phí. Thường thì khi xây dựng CLB, thời gian đầu được hỗ trợ một ít kinh phí sinh hoạt, tài liệu... Còn những năm sau, các CLB này đều phải tự xin kinh phí hoạt động, nghĩa là có kinh phí thì triển khai một vài nội dung, còn không thì thôi. Việc thành lập các CLB khá đơn giản nhưng để duy trì được thì rất khó. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng rất hạn chế vì thế mà có những mô hình hoạt động có hiệu quả như các CLB “Bạn giúp bạn” không duy trì được hoạt động.
Ông Đặng Đình Quang – Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: Từ những năm trước, các CLB này đều được hỗ trợ từ 4-6 triệu đồng nhưng bước sang năm nay không còn nữa. Ở cấp tỉnh còn có thể lồng ghép vào các chương trình khác nhưng ở cấp huyện và cấp xã thì rất khó".
Thực tế, để các CLB pháp luật duy trì được thì chính sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đóng vai trò rất lớn. Nhưng có thể thấy, hiện nay chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa bố trí nguồn lực, nhân lực và kiểm tra, đánh giá thường xuyên để nhắc nhở, đôn đốc. Ít hoạt động đã đành nhưng những hoạt động thường mang nặng hình thức, các cán bộ phụ trách CLB trình độ, năng lực còn hạn chế.
Thực tế, nếu tổ chức tốt thì vai trò của các CLB pháp luật đóng góp rất lớn, tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiện nay, nhận thức, hiểu biết của người dân về pháp luật vẫn đang còn hạn chế thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB này là cần thiết.
Vì vậy, trong thời gian tới, các ngành, địa phương, tổ chức cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho các CLB hoạt động. Cũng cần phải đánh giá lại hoạt động của các CLB đang có, nếu thấy không phù hợp thì dừng hoạt động, nếu cần thì sát nhập các mô hình CLBPL trong cùng một địa phương để tận dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh trùng lặp về thành phần và thời gian diễn ra các hoạt động.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, xây dựng cách thức hoạt động phù hợp để các CLB pháp luật hoạt động hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân.
Nguyên Hưng