Từ nay, Khu di tích Thành cổ Hà Nội và Di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu sẽ thành một thể thống nhất, thuận lợi cho việc làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cho biết:
Trong Luật Di sản, Nghị định 92 quy định rõ: Di tích quốc gia thì phân làm hai loại, loại đặc biệt quan trọng cần Bộ VH - TT - DL phải trình, Chính phủ trực tiếp ra quyết định, nhưng đến nay Bộ VH - TT - DL vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, quy định về mặt thủ tục hành chính của di tích cấp đặc biệt.
Theo thông lệ quốc tế, di tích quốc gia đã là cực kỳ quan trọng, là điều kiện cần và đủ để làm hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Ở đây có sự phức tạp của việc khoanh vùng bảo vệ, cần sự thống nhất cao giữa các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước. Đến giờ đã thống nhất được diện tích bảo vệ là toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu di tích thành cổ Hà Nội bao bọc bởi 4 phố: Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ. Với phạm vi ấy, khi làm việc với chuyên gia UNESCO thì cũng đủ để làm hồ sơ trình công nhận di sản văn hóa thế giới.
Trong phạm vi thành cổ có nhiều ngôi nhà tạm, không có ý nghĩa văn hóa - lịch sử, nhất định cần phải dỡ bỏ. Vì vậy, trong năm 2008, khi phê duyệt dự án tháo dỡ đợt một thì sẽ tháo dỡ 58 ngôi nhà không có ý nghĩa: Cục nhà trường, nhà ở của doanh trại quân đội, công trình phụ. Những di tích quan trọng của thời kỳ cách mạng sẽ được bảo tồn như một phần di sản, thể hiện sự tiếp nối.
Tuy nhiên, vẫn có những trở ngại đối với khu di tích đặc biệt này, thí dụ như vấn đề về vùng bảo vệ. Với UNESCO thì đó là vùng đệm tiếp giáp di tích, chịu sự quản lý theo quy chế thống nhất để không phá hỏng di tích chứ không cấm xây dựng, còn ta lại quan niệm đó là vùng cấm biến dạng. Phải có sự thảo luận giữa các nhà khoa học trong nước, các nhà quản lý và chuyên gia UNESCO để có sự thống nhất về vấn đề này.