(Baonghean.vn) - Đó là thông điệp mà Triển lãm “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa” diễn ra từ ngày 22/7/2014  tại Thư viện tỉnh Nghệ An muốn gửi tới toàn thể nhân dân. Một lần nữa, qua triển lãm để khẳng định: Trường Sa – Hoàng Sa là của chúng ta, chủ quyền đó không bao giờ thay đổi.
 
images1020025_7b.jpgNgười dân xem triển lãm.
 
Với mục đích giúp cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa – Trường Sa qua nhiều tài liệu, Triển lãm “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa” lần này đã trưng bày các loại sách, tài liệu, tư liệu lịch sử, bản đồ, phim ảnh… Triển lãm nhằm thông tin, tuyên truyền giúp cho nhân dân nhận thức rõ, đầy đủ về tình hình Biển Đông. Qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ, đấu tranh, lên án các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Nhất là thời gian qua, việc Trung Quốc liên tục gây hấn ở Biển Đông và hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Luật Biển quốc tế đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong nhân dân và bạn bè quốc tế.
 
Ngay hôm khai mạc, triển lãm đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố Vinh tới tham quan, tìm hiểu. Bác Cao Thị Thư (năm nay 68 tuổi) ở khối Quang Tiến, phường Hưng Bình, TP. Vinh cho biết: Nghe một người bạn trong Hội Người cao tuổi thông báo: Thư viện tỉnh sẽ mở triển lãm về chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa, bác rất phấn chấn và đạp xe tới đây để tham quan, tìm hiểu. Với những người đã từng chứng kiến những giờ phút lịch sử của dân tộc, chứng kiến nỗi đau mất nước, nỗi đau chia cắt của chiến tranh, hai tiếng hòa bình, độc lập dân tộc được các thế hệ như bác khắc cốt, ghi tâm và nguyện bảo vệ nền độc lập, tự chủ, chủ quyền của dân tộc đến cùng.
 
Những ngày qua, bác đã nghe chương trình thời sự, nhiều cuộc đối thoại, trả lời của các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước đều khẳng định chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Đến với triển lãm này, bác Thư thêm một lần nữa hiểu hơn lịch sử của dân tộc, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, trong đó có Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa. Với nhiều tài liệu, bản đồ từ thời Lê, thời Trịnh, Nguyễn cho đến sau này, kể cả các học giả nước ngoài đều khẳng định một chân lý không bao giờ thay đổi: Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam.
 
Để có được cuộc triển lãm này, Thư viện tỉnh – đơn vị chủ trì đã phải có một thời gian chuẩn bị khá dài và công phu. Ngoài sưu tầm hơn 100 loại sách, các đầu báo, tài liệu lịch sử, phim ảnh … viết về biển đảo và chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của nhiều tác giả khác nhau, Ban tổ chức đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Thư viện khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cho mượn 90 bản đồ cổ, quý, hiếm về chủ quyền biển đảo (đã được Bộ Ngoại giao phê duyệt). Qua đó, góp phần làm nên sự sống động, đa dạng, phong phú cho nội dung triển lãm, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam qua nhiều tài liệu.
 
Em  Bùi Khánh Ly, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng xúc động: Triển lãm này rất có ý nghĩa với người dân, nhất là với thế hệ trẻ - thế hệ chỉ biết đến nỗi đau mất nước, nỗi đau chiến tranh qua phim ảnh, sách báo. Em mong muốn Thư viện tỉnh sẽ có nhiều hơn nữa những cuộc triển lãm về lịch sử dân tộc, quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta… để chúng em có cơ hội tìm hiểu, tham quan, học tập. 
 
Ông Đào Tam Tỉnh – Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Trong quá trình sưu tầm tài liệu, chúng tôi được biết: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được các triều đại phong kiến Việt Nam thực thi từ rất sớm. Trong đó, sớm nhất là “Hồng Đức bản đồ” của triều đại Vua Lê Thánh Tông thế kỷ XV và rõ nhất là từ thế kỷ XVII với bản đồ “Đại Việt” có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Đỗ Bá Công Đạo (người huyện Thanh Chương) vẽ từ năm 1686 và các tài liệu quý khác. Vì thế, để giúp người dân hiểu rõ hơn chủ quyền biển, đảo Việt Nam, Ban tổ chức đã cố gắng sưu tầm các loại sách, tài liệu là cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như  “Hồng Đức bản đồ”; bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, “An Nam đại quốc họa đồ”, “Đại Nam nhất thống toàn đồ”; bản đồ các đài khí tượng Đông Dương; các bản đồ thế giới ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đĩa phim tài liệu “Hoàng Sa – Trường Sa nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt”; những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký với các nước láng giềng, các nước có liên quan; những kiến thức cơ bản, phổ thông, các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta và Luật Biển quốc tế năm 1982; các tài liệu, tư liệu pháp lý khác có liên quan… Từ đó, khẳng định rằng: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, không ai có quyền xâm phạm.
 
Thanh Thủy