(Baonghean.vn) – Sáng 5/8, Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo: "Thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: 10 năm nhìn lại”.
Về dự hội thảo có đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tôn giáo Chính Phủ; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Ban Tôn giáo các tỉnh, thành khu vực phía Bắc và Tây Nguyên.
Việt Nam hiện có 39 tổ chức thuộc 14 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 24,3 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước, gần 53 ngàn chức sắc, nhà tu hành, 133,7 ngàn chức việc, gần 70% đồng bào có tín ngưỡng với trên 45 ngàn cơ sở tín ngưỡng.
Trong 10 năm qua, chính sách pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều vướng mắc trước đây trong quan hệ giữa Nhà nước với tôn giáo được tháo gỡ và ngày càng được giải quyết một cách tích cực. Nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các hoạt động lợi dụng tôn giáo, đảm bảo an ninh, trật tự vùng đồng bào tôn giáo.
Song, hiện vẫn còn nhiều loại hình tín ngưỡng phục hồi và phát triển chưa được quản lý, một số nội dung hoạt động bị lệch chuẩn, phản văn hóa. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 80 tổ chức, hệ phái, nhóm tôn giáo chưa được công nhận. Vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động tôn giáo, một bộ phận chức sắc, tín đồ tôn giáo chưa tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước; tình hình khiếu kiện, khiếu nại về đất đai liên quan đến tôn giáo vẫn còn diễn biến phức tạp...
Trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn nhiều hạn chế như có những điểm thiếu và chưa rõ dẫn đến thiếu quy định hoặc quy định chưa đầy đủ; chưa có chế tài xử lý các vi phạm từ hai phía nên hiệu quả còn hạn chế; Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; công tác tổ chức quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa thường xuyên, còn một chiều...
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các địa phương trao đổi những kinh nghiệm, đồng thời nêu ra những khó khăn trong công tác giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến đất đai đối với tôn giáo, các cơ sở pháp lý còn thiếu, chưa cụ thể gây khó khăn cho địa phương, đội ngũ làm công tác tôn giáo còn mỏng và yếu.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo sẽ phát triển và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống nhân dân và tình hình an ninh trật tự. Bên cạnh đó, các thế lực chống đối trong và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng, sử dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng chống đối, gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.
Trước tình hình đó, đồng chí đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đào tạo cán bộ, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với những kiến nghị của các địa phương, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tập hợp và báo cáo để có hướng điều chỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 tôn giáo hợp pháp là Công giáo và Phật giáo. Trong đó, đạo Công giáo có khoảng hơn 266.000 tín đồ, 140 chức sắc, 356 xứ, họ đạo. Đạo Phật có khoảng 50 ngàn tín đồ, 55 tăng, ni, tu sỹ với 48 chùa, 1 niệm phật đường. Trong nhiều năm qua, tỉnh đã tạo điều kiện cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức thuận lợi. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các cơ sở công giáo đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định chấp thuận tách 19 xứ, 20 đạo họ công giáo; thành lập Tỉnh hội phật giáo và phục hồi 46 chùa Phật giáo, xây dựng 1 niệm phật đường. Các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo được tập trung giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật. |
Nguyên Hưng