(Baonghean.vn) - Đã hai ngày trôi qua, kể từ giờ phút bệnh nhi xấu số Lô Văn Tuấn qua đời vì bệnh viêm cầu thận, ngôi nhà nhỏ ở bản Chăm Pụt, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) vẫn đông nghịt người đến chia buồn.  Em học sinh lớp 2 này tử vong tại nhà vì căn bệnh hiếm thấy trong cộng đồng người Thái nơi đây. Trước đó vào ngày 26/12/2016, anh ruột của Tuấn là Lô Văn Hiếu đang học lớp 7 cũng mất vì căn bệnh quái ác này.

 » Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

images1832185_1487757479.jpgBản Cóng là bản có 6 người mắc bệnh viêm cầu thận nhiều nhất xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh:

Phó bản Chăm Pụt, ông Lô Văn Cáng cho biết, gia đình anh Lô Văn Quê (cha ruột của Hiếu và Tuấn) thuộc diện khó khăn nhất bản. Người đàn ông 42 tuổi có 4 đứa con và đã có cháu nội, ngoại. Hiếu và Tuấn là 2 người con sau của anh Quê.

Căn nhà như thêm oi bức dưới cái nắng đầu mùa. Thấy khách lạ ghé thăm, anh Lô Văn Quê không thể gượng dậy. Cậu con trai cả Lô Văn Hoài cũng là người rành tiếng phổ thông nhất nhà đến tiếp chuyện.

Anh Hoài, 22 tuổi, đã cưới vợ và đang nuôi con nhỏ. Cha mẹ Hoài không phải là người năng động, tiếng Kinh không rành, quá nửa đời người sống nhờ các sản vật rừng bởi vậy người thanh niên sống bằng nghề lao động tự do này trở thành người kiếm tiền chính cho cả nhà.

Cơn bạo bệnh của 2 người em trai trong suốt mấy tháng qua khiến kinh tế gia đình anh Hoài kiệt quệ. Con trâu duy nhất trong nhà cũng phải bán lấy tiền chữa chạy cho các em nhưng rồi không ai qua khỏi. Đó thực sự là cú sốc lớn đối với gia đình anh.

Hoài nhớ lại: Bệnh tình của hai em chuyển biến rất nhanh. Đầu tháng 12/2016, Lô Văn Hiếu có biểu hiện sốt, chân tay phù nề, chảy máu dưới da. Gia đình vội đưa đi bệnh viện huyện, một ngày sau là chuyển lên tuyến tỉnh. Chỉ sau một thời gian ngắn sau bệnh tình thêm nặng. Lúc đó gia đình không đủ khả năng chuyển em Hiếu ra Hà Nội chạy chữa. Sau 2 ngày trở về bản, Hiếu mất.

Sau đám tang của người anh trai không lâu, em Lô Văn Tuấn cũng có biểu hiện sốt và nổi ban đỏ. Gia đình cho dùng thuốc hạ sốt và xông lá chống phát ban, bệnh tình của Hiếu có phần thuyên giảm. Em vẫn đi học được một tuần. Sau đó Tuấn cũng có những triệu chứng giống hệt người anh. Những ngày cuối đời của cậu em út như những thước phim quay chậm. Đến bây giờ anh vẫn nhớ chi tiết đến từng ngày giờ.

Cán bộ y, bác sỹ của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong khám sàng lọc cho học sinh Hạnh Dịch vào sáng 22/2/2017. Ảnh: Hùng Cường

Ngày 4/1/2017, Lô Văn Tuấn nhập viện huyện. Hai hôm sau đã chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương chạy thận suốt một tháng liền. Đó cũng là lần đầu tiên, người anh cả Lô Văn Hoài phải ăn cái Tết bất đắc dĩ trong bệnh viện cách nhà gần 500 cây số.

“Đêm mồng 9 Tết, các bác sỹ bảo thận của Tuấn không phục hồi được, chỉ còn cách mổ và chạy thận suốt đời thôi. Lúc đó gia cảnh quá nghèo, tiền bán trâu cũng đã hết, em đành đưa em về chạy chữa cho đến ngày nó mất" - người anh trai 22 tuổi gạt nước mắt kể.

Gia cảnh của phần lớn các học sinh mắc bệnh viêm cầu thận ở xã Hạnh Dịch đều thuộc diện khó khăn. Tuy nhiên thông tin từ ngành y tế địa phương thì hiện 18 bệnh nhi đang điều trị đều đã có chuyển biến tốt hơn. Hiện chỉ còn 4 em đang phải điều trị, số còn lại đều đã trở lại lớp.

Chiều  22/2, đồng chí Trương Minh Cương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Lê Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, chia buồn gia đình anh Lô Văn Quế có 2 con trai tử vong do bệnh suy thận. 

Huyện đã hỗ trợ cho gia đình 10 triệu đồng, Ban CHQS huyện cũng hỗ trợ 1 triệu đồng. Trước đó, huyện cũng đã vào chia buồn và cử người hỗ trợ gia đình làm thủ tục mai táng cho các cháu theo phong tục địa phương.

Đồng chí Trương Minh Cương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy động viên và trao tiền hỗ trợ cho gia đình anh Quê.
Như Báo Nghệ An đã đưa tin, từ tháng 11/2016 đến nay, địa bàn xã Hạnh Dịch (Quế Phong xuất hiện 20 ca bệnh nhi viêm cầu thận, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong. Từ tháng 2/2017, Sở Y Tế Nghệ An đã thành lập đoàn công tác, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, khám sàng lọc cho hơn 200 học sinh toàn xã. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do liên cầu khẩu beta tan máu nhóm A. Các bác sỹ cho rằng nguồn bệnh có thể là do các liên cầu A tự có trong cơ thể người gây nên. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Chỉ có thể phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, môi trường. Để điều trị hiệu quả viêm cầu thận, cần sớm phát hiện và chữa trị tích cực.

Hữu Vi - Hùng Cường - Thúy Hằng

TIN LIÊN QUAN