Các nhà khoa học Australia phát hiện hóa thạch lâu đời nhất thế giới trên đảo Greenland, có niên đại 3,7 tỷ năm tuổi.

images1703788_anh_6661_1475366367.jpgGiáo sư Allen Nutman và phó giáo sư Vickie Bennett đang cầm trên tay mẫu đá stromatolite có niên đại 3,7 tỷ năm. Ảnh: AFP.

Allen Nutman tại Đại Học Wollongong, Australia, đứng đầu nhóm nghiên cứu phát hiện cấu trúc hóa thạch gọi là đá stromatolite (đá trầm tích cổ được tạo ra nhờ sự phát triển của vi sinh vật) dọc theo mép chỏm băng trên đảo Greenland, Đan Mạch, vào đầu tháng 9. Hóa thạch ước tính tồn tại từ cách đây 3,7 tỷ năm, theo News.com.au.

Hóa thạch stromatolite tại Greenland là bằng chứng chỉ ra rằng sự sống xuất hiện chỉ vài trăm triệu năm sau khi Trái Đất hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước đây, Nutman cho biết.

"Đây là bằng chứng sự sống lâu đời nhất trên Trái Đất. Các cấu trúc đá lộ ra ở Greenland có nguồn gốc sinh học", Martin Julian Van Kranendonk, giáo sư địa chất tại Đại học New South Wales, Australia, nói.

Theo Nutman, phát hiện mới cung cấp thêm thông tin để các nhà khoa học săn lùng sự sống trên sao Hỏa, hành tinh nhiều khả năng tồn tại dạng sống của vi sinh vật. Trong quá khứ xa xôi, hành tinh đỏ được cho là chứa nhiều nước, có một bầu khí quyển, khí hậu ấm áp, tạo điều kiện thích hợp cho vi khuẩn phát triển.

"Cách đây 3,7 tỷ năm, sao Hỏa có lẽ vẫn còn ẩm ướt với nhiều đại dương. Nếu sự sống phát triển rất nhanh trên Trái Đất để hình thành những thứ như đá stromatolite, sự sống có thể đã phát triển trên sao Hỏa và để lại dấu vết đến ngày nay. Thay vì chỉ nhìn vào dấu hiệu hóa học, giới khoa học có thể dựa vào các bức ảnh chụp đá stromatolite trên sao Hỏa gửi về Trái Đất để tìm kiếm sự sống", Nutman nói với AFP.


Theo VNE

TIN LIÊN QUAN