Người đẹp gốc Hà Nội viết trên trang cá nhân: "Điều này rất có ý nghĩa với tôi. Khi tôi mất đi, tôi sẽ để lại những phần cơ thể mình. Sẽ có nhiều người nhận được sự sống mới từ tôi".
Quyết định của Đỗ Mỹ Linh được mẹ ủng hộ. Bà cũng tham gia đăng ký hiến tạng cùng con gái. Hoạt động của hoa hậu nằm trong dự án nhân ái "Cho đi là còn mãi" của Miss World Vietnam 2019. Ngoài ra, bà Phạm Kim Dung, trưởng ban tổ chức, cùng ba thí sinh là Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Trịnh Lê Uyên và Nguyễn Tường San cũng đăng ký hiến tạng.
Trước Đỗ Mỹ Linh, nhiều sao Việt như Quyền Linh, Việt Trinh, Nguyễn Phi Hùng... thực hiện nghĩa cử với mong muốn cứu nhiều người.
Đỗ Mỹ Linh sinh năm 1996, đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2016. Năm 2017, cô đại diện Việt Nam dự thi Miss World và vào top 40 cùng giải thưởng "Người đẹp nhân ái".
Hiến tạng là việc tặng một bộ phận trên cơ thể một cách hợp pháp. Ở Việt Nam, hoạt động này được Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tiếp nhận. Sau sự kiện bé Hải An hiến giác mạc khi qua đời vì u não gây xúc động hồi đầu năm ngoái, phong trào hiến tạng lan tỏa.
Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.
Hiện có 2 địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam: Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).