Sáng 13/7, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng TAND tối cao, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”. Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị. 

bna_3_anh_pv7559076_1372020.jpgChủ trì tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngọc Kim Nam- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Ảnh: Đ.C

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trong tổ chức hội nghị, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của công tác hòa giải.

Đồng chí nhấn mạnh, đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thông qua công tác hòa giải cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện vượt cấp.

Đồng thời, hoạt động hòa giải cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thông qua hòa giải cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, từ đó hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc...

Hòa giải thành 707.945 vụ, việc

Tại hội nghị, báo cáo về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở được đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu rõ: Qua 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Đ.C

Đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 600.462 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải trung bình có 5-7 hòa giải viên. Đáng nói, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở được nâng lên thông qua việc cung cấp tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn và tổ chức thi hòa giải viên giỏi.

Trong 6 năm (từ 2014 đến 2019) tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%); hòa giải không thành 167.367 vụ, việc.

Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên pham vi cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 120.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại các cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước.

Tại Nghệ An, tính đến 31/12/2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 5.409 tổ hòa giải, với tổng số 35.566 hòa giải viên. Trong 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng số 30.930 số vụ việc tiếp nhận hòa giải, trong đó số vụ việc đã được hòa giải thành 23.795, chiếm tỷ lệ 76,9%.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở
 

Tại hội nghị, Ban Thường trực Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo chuyên đề “Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở”; Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao báo cáo chuyên đề “Dân vận trong công tác hòa giải tại tòa án”.

Tại điểm cầu các địa phương, các đại biểu cũng đã có nhiều tham luận như: Mô hình tổ hòa giải 5 tốt; Kinh nghiệm dân vận hòa giải viên trong hoạt động hòa giải đối thoại tại tòa án; Vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải...

Đại diện Tòa án nhân dân TP Vinh phát biểu tham luận. Ảnh: Đ.C

Tại điểm cầu Nghệ An, đại diện Tòa án nhân dân TP Vinh có tham luận “Kinh nghiệm dân vận của thẩm phán trong việc hòa giải các vụ, việc dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân”. Tham luận nêu rõ, việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích, giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua các buổi hòa giải, đối thoại là một hình thức dân vận trực tiếp, hiệu quả nhất.

Bởi điểm mấu chốt ở những vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, khiếu kiện hành chính là có sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc thiếu sự thông cảm giữa các bên đương sự nên việc tăng cường công tác hòa giải, đối thoại là nhằm tạo sự đồng thuận và tự giải quyết của đương sự. Điều này vừa giúp giảm áp lực trong giải quyết các vụ án, vừa giúp các đương sự giữ được mối quan hệ đoàn kết, đảm bảo lợi ích chính đáng theo quy định của pháp luật...

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc huyện Quế Phong tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: Đ.C

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Long- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, những kết quả mà hoạt động hòa giải đạt được trong thời gian qua không chỉ có ý nghĩa tích cực trong việc phát huy công tác này, mà quan trọng hơn, còn mang lại những hiệu quả thiết thực về chính trị, tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật... 

Như vậy, mục tiêu cao nhất và cuối cùng của công tác hòa giải là nhằm hóa giải các tranh chấp, giữ gìn, bảo vệ mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đây cũng chính là mục tiêu của công tác dân vận. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải cơ sở, coi đây là phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó coi hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở. Đa dạng hóa các nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ, công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật.