(Baonghean) - Chuyện làng, chuyện thôn, lâu nay bên cạnh những truyền thống tốt đẹp “tối lửa, tắt đèn có nhau”, thì vẫn còn những chuyện tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích, cãi cọ, thậm chí đánh nhau, vi phạm pháp luật. Hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở huyện Yên Thành mà nòng cốt là MTTQ đã góp phần vào việc hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.
“Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”
Về huyện Yên Thành tìm hiểu công tác hòa giải ở cơ sở, gặp Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải xóm 5, xã Trung Thành – ông Hoàng Bá Hà, chúng tôi được nghe ông chia sẻ: “Bây giờ ở nông thôn cũng nhiều chuyện phức tạp lắm. Hàng xóm tranh chấp đất đai, vườn tược với nhau; rồi mâu thuẫn vợ chồng, bạo lực trong gia đình; họ hàng, dòng tộc tranh chấp nơi thờ tự; thanh niên gây gổ, đánh nhau... Vì vậy, khi trong xóm có tranh chấp, mẫu thuẫn hoặc có đơn thư thì tổ hòa giải ở xóm đứng ra nắm bắt thông tin, bàn bạc để thống nhất cách giải quyết.
Đơn cử như việc tranh chấp đất đai giữa vợ chồng người chú ruột với người cháu (con anh trai), mảnh đất hơn 200m2, trong đó một nửa thuộc về phần thừa kế của người cháu (do người cha mất để lại), nửa còn lại thuộc về người chú. Lâu nay, mẹ của người chú, tức là bà nội của cháu, đang sống cùng thửa đất chung này với người cháu nên người chú giao lại cho cháu sử dụng. Thế nhưng, chỉ vì “những lời nói” không vừa lòng nhau mà vợ chồng người chú làm đơn đòi lại đất. Tổ hòa giải xóm đã phân tích nguyên nhân, làm rõ mâu thuẫn, sau đó gặp gỡ trực tiếp mỗi bên, phân tích thấu tình, đạt lý: “Việc chia đất ra làm đôi thì mỗi người có diện tích không lớn, trong khi đó, cháu lại không có nhà cửa để ở cho đàng hoàng và chăm sóc cho bà cố, lại mất đi tình cảm chú cháu ruột thịt...”.
Với sự phân tích, thuyết phục, cuối cùng tổ hòa giải xóm đã hòa giải thành công vụ việc. Vợ chồng người chú ký cam kết để đất và nhà lại cho người cháu, ngược lại người cháu cũng phải có trách nhiệm phụng dưỡng bà cố chu toàn, còn khi bà cố ốm đau thì đó là trách nhiệm chung của gia đình chú và gia đình người cháu. Ông cho rằng, ở khu vực nông thôn, trình độ nhận thức chung của người dân, trong đó có nhận thức, sự hiểu biết pháp luật không đồng đều, nên để hòa giải được, những thành viên trong tổ hòa giải phải nhiệt tình và phải có cái “mẹo” để mà giải quyết từng vấn đề, trên cơ sở “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”.
Trao đổi với ông Vũ Văn Thủy - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải xóm 7, xã Trung Thành, chúng tôi được biết, ở thôn xóm, có những chuyện tưởng chừng như không có gì, nhưng lại tạo ra mâu thuẫn. Có câu chuyện, chồng đi làm thêm ngoài, vợ ở nhà, khi người ngoài chỉ cần “xút” cho vài câu mang tính “cảnh báo”: “Mày thì lo đi làm trầy mặt, vợ ở nhà sung sướng, đẹp ra lại…”. Đây lại trở thành lý do để người chồng thỉnh thoảng uống rượu về nhà đánh vợ và rồi làm đơn ly hôn. Rồi có những chuyện chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, vì “con gà tức nhau tiếng gáy”..., suy nghĩ nông cạn, hiếu thắng, “ăn thua” và thiếu hiểu biết pháp luật để xảy ra những chuyện chém nhau đổ máu, anh em họ hàng từ nhau, vợ chồng làm đơn ly dị...
Trong những chuyện như thế, tổ hòa giải ở các xóm gồm đầy đủ thành phần Ban công tác Mặt trận, Hội Người cao tuổi, Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên..., một người, một tổ chức “một tiếng nói” cùng vào cuộc, vừa tuyên truyền, vừa thuyết phục để những người trong cuộc sáng sự lẽ, hiểu thấu sự tình. Ông Nguyễn Duy Liệu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trung Thành, cho biết: Tổ hòa giải cơ sở được thành lập 7/7 xóm trong xã. Thông qua hoạt động, tổ hòa giải đã dàn xếp các mâu thuẫn nhỏ, tranh chấp xảy ra tại cộng đồng dân cư nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, hành chính để giữ gìn tình làng, nghĩa xóm. Ngoài ra, hoạt động hòa giải ở các tổ hòa giải cũng đã góp phần hàn gắn những mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ gia đình, dòng tộc để vun đắp hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình; góp phần ổn định an ninh trật tự ở địa phương, giảm đơn thư khiếu nại, phản ánh của nhân dân.
Cầu nối đưa pháp luật về cơ sở
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Thành cho biết: Hiện tại, toàn huyện Yên Thành có 498 tổ hòa giải cơ sở, với gần 3.500 hòa giải viên. Tổ hòa giải được thành lập ở mỗi khối, xóm theo mô hình tự nguyện, tự quản. Hòa giải viên ở cơ sở gồm xóm trưởng, cán bộ mặt trận Tổ quốc và các thành viên của các chi hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, Nông dân, Cựu Chiến binh, Phụ nữ. Họ là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, có kiến thức pháp luật, có trách nhiệm với công việc hoà giải; đặc biệt là người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Những năm qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, MTTQ từ huyện đến xã đã quan tâm chỉ đạo các thành viên của mình tham gia trực tiếp vào các tổ hòa giải cơ sở theo quy định. MTTQ huyện và xã cũng phối hợp với phòng Tư pháp huyện và Ban Tư pháp xã chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn các tổ hòa giải ở khối, xóm, đảm bảo đúng thành phần, số lượng và đi vào hoạt động hiệu quả. MTTQ huyện còn phối hợp chặt chẽ với phòng Tư pháp huyện hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, gắn với việc thực các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, nhằm gắn công tác hoà giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện tiếp nhận 228 vụ việc hòa giải, trong đó có 103 vụ việc dân sự; 100 vụ việc hôn nhân gia đình; 25 mâu thuẫn, xích mích. Trong đó, có 192 vụ việc hòa giải thành công, đạt 84, 2%; vì vậy, đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; giữ gìn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không để “cái sảy nảy cái ung” ở từng khu dân cư. Hiệu quả hoạt động của công tác hòa giải được nâng lên, kéo theo hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đạt được hiệu quả cao, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình và cộng đồng; tỷ lệ gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước. Có những vụ việc, vấn đề cũng được hòa giải viên áp dụng bằng việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn thông qua các quy định của pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật trong nhân dân.
Mặc dù tỷ lệ hòa giải thành công chưa đạt 100% so với tổng các vụ việc phát sinh trên địa bàn, nhưng rõ ràng, hiệu quả mà tổ hòa giải mang lại là rất lớn. Để tiếp tục đưa công tác hòa giải ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả hơn, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát tiển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh – trật tự ở địa phương, Yên Thành cần triển khai Luật Hòa giải cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014), nhằm đưa pháp luật về hòa giải cơ sở đi vào cuộc sống, trong đó có vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp tham gia vào công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở...
Mai Hoa