"Không thắng, cũng chẳng bại"
Hãng tin New York Times hôm 10/11 cho biết, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan một ngày trước đó đã chính thức chấp nhận đặt bút ký vào văn bản dàn xếp do Nga đứng ra “mối lái” nhằm đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến diễn ra tại Nagorno-Karabakh. Điều này đồng nghĩa Armenia từ bỏ vùng lãnh thổ tranh chấp và cúi đầu trước nhiều yêu cầu, đòi hỏi khác, song có lẽ đây là phương án khả dĩ nhất giữa bối cảnh ông Pashinyan đang phải đối mặt với thất bại trên chiến trường.
Theo bản thỏa thuận được ký kết giữa nhà lãnh đạo này với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, quân đội Armenia sẽ rút lui khỏi khu vực Nagorno-Karabakh và sẽ được “thế chỗ” bởi lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga. Ngoài ra, cũng theo đó, các bên tham chiến sẽ phải ngừng giao tranh và chuẩn bị cho sự tiến vào của đội quân mũ nồi xanh. Như vậy, “quá tam ba bận”, sau sự đổ vỡ của 3 lệnh ngừng bắn mong manh do Nga, Pháp và Mỹ chung sức đàm phán, rốt cuộc cũng đã xuất hiện một tín hiệu khả quan hơn đối với cuộc tranh chấp tốn nhiều giấy mực này.
Một số ý kiến nhận định, bản thỏa thuận đạt được hôm 9/11 có thể ví như hành động vẽ lại trên diện rộng bản đồ an ninh của Nam Caucasus, một khu vực nhạy cảm, lắm biến động nằm chêm giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran. Sự dàn xếp ấy còn khẳng định vai trò, vị trí trong khu vực của một Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng quyết đoán hơn, với lập trường ủng hộ phía Azerbaijan trong cuộc chiến khởi phát hồi tháng 9.
Trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội nhằm thông báo về thỏa thuận mới ký kết, ông Pashinyan cho hay: “Cá nhân tôi đã đưa ra một quyết định rất khó khăn cả với bản thân lẫn toàn thể chúng ta. Đây không phải là một chiến thắng, nhưng cũng không có thất bại nào”. Thực tế, thỏa thuận này khép lại 1/4 thế kỷ quân đội Armenia nắm quyền kiểm soát đối với khu vực vùng núi xa xôi, hẻo lánh Nagorno-Karabakh. Và giờ đây, xứ bạch dương Nga sẽ đứng ra canh gác vùng biên giới này.
Vật về chủ cũ?
Cần nhắc lại, khu vực Nagorno-Karabakhcó dân cư hầu hết là người Armenia sinh sống, nhưng nó lại nằm trong đường biên giới có từ thời Liên Xô của Azerbaijan và vùng đất này đã tự tuyên bố độc lập trước khi Liên Xô tan rã. Nay, với người Azerbaijan, giải pháp dàn xếp đã đề cập mở ra triển vọng rằng ít nhất một bộ phận trong số hàng trăm nghìn người mất nhà cửa trong cuộc chiến đòi chia tách kết thúc năm 1994 có thể trở về. Cuộc chiến tranh năm ấy đã kết thúc với một kịch bản tréo ngoe: bằng một lệnh ngừng bắn được nhìn nhận như thảm họa nhưng lại không thể tránh khỏi đối với Azerbaijan sau những chiến thắng của quân đội Armenia.
Còn với thỏa thuận mới này, nhà lãnh đạo Nga Putin nói rằng, sẽ đòi hỏi cả quân đội Armenia và Azerbaijan phải dừng lại ngay tại các vị trí chiếm đóng hiện nay của họ. Điều đó củng cố thêm việc Azerbaijan giành được thị trấn chiến lược Shusha theo cách gọi của người dân nước này hay Shushi đối với người Armenia. Đây là thị trấn lớn thứ hai trong khu vực và chỉ cách thủ phủ ly khai Stepanakert chưa đầy 10 km.
Armenia cũng mất quyền kiểm soát với con đường tiếp tế để đưa các nguồn cung ứng của quân đội đến khu vực vùng núi, và chặt đứt tuyến này có nghĩa là cũng triệt tiêu hy vọng tiếp tục cầm cự của lực lượng phòng thủ Armenia nơi đây nếu chiến sự còn tiếp diễn.
“Tôi đưa ra quyết định này từ kết quả của một phân tích sâu về tình hình quân sự”, ông Pashinyan viết. Nhà lãnh đạo này nói rằng bản thỏa thuận là “giải pháp tốt nhất trong tình thế hiện nay”. Chỉ vài giờ đồng hồ sau thông báo của ông, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại thủ đô Yerevan của Armenia. Một đám người đã đột nhập vào tòa nhà chính phủ, tháo biển tên của ông Pashinyan khỏi cánh cửa văn phòng thủ tướng để thể hiện sự giận dữ, bất mãn của mình.
25 năm qua, chính quyền ly khai tại Nagorno-Karabakh nắm quyền đối với 7 quận huyện chiếm đóng của Azerbaijan. Đây đều là những khu vực thưa thớt người ở, chỉ có những ngôi làng bị bỏ hoang và những căn nhà đá hư hỏng nặng. Armenia đã nhiều lần từ chối các nghị quyết do Liên hợp quốc đưa ra kêu gọi người dân trở lại sinh sống nơi đây, có lẽ là bởi cho rằng nắm giữ chúng chính là nắm giữ lợi thế về mặt quân sự, nên cho đến nay nước này vẫn thẳng thừng “nói không” với bất kỳ việc dàn xếp nào cho phép người dân hồi cố hương.
Nhưng giờ đây với bản thỏa thuận đạt được đầu tuần này, Azerbaijan đã có được những điều mà họ nhiều năm trời tìm kiếm trong các cuộc đàm phán, dĩ nhiên bao gồm cả việc đưa những người bị mất nhà cửa trở về chốn cũ. Ngoài việc rút quân khỏi khu vực, Armenia còn phải đồng ý từ bỏ quyền kiểm soát các khu vực nhỏ có người thiểu số Armenia sinh sống bên trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng ngoài Nagorno-Karabakh; mở một hành lang vận tải để Azerbaijan đi qua Armenia tới khu vực Nakhichevan thuộc Azerbaijan; và cho phép Liên hợp quốc giám sát việc hồi hương người dân rơi vào cảnh “tứ cố vô thân” sau cuộc chiến năm nào.
Còn số phận thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh, dù đã được cứu khỏi kịch bản rơi vào cuộc tấn công quân sự những tưởng sắp sửa xảy ra, nhưng rồi đây sẽ phải dựa vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga để được bình yên. Những người lính “mũ nồi xanh” sẽ được điều động đến đây trong 5 năm và cũng sẽ canh gác tuyến đường tiếp cận đi qua một con đèo có tên là Hành lang Lachin, cùng một vùng đệm rộng khoảng 5 km dọc theo đó. Chưa hết, do để mất quyền kiểm soát Shusha/Shushi, Armenia buộc phải chấp nhận yêu cầu của bản thỏa thuận là kêu gọi xây dựng một đoạn đường tiếp cận mới qua thị trấn hiện đã trong tay Azerbaijan này. Nếu được hiện thực hóa, rõ ràng đây sẽ là một mất mát lớn nữa, một cú giáng khác đối với “sứ mệnh” của người Armenia tại Nagorno-Karabakh.