(Baonghean.vn) - Gần 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời, tên tuổi của Hồ Tùng Mậu mãi mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về ý chí phi thường, xả thân chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hồ Tùng Mậu sinh ngày 15/6/1896, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, với tên khai sinh là Hồ Bá Cự, trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước. Năm 1916, Hồ Tùng Mậu thoát ly gia đình, dạy học ở hai huyện Thanh Chương và Anh Sơn (Nghệ An) mong tìm được bạn cùng chí hướng.

Năm 1927, Hồ Tùng Mậu bị quân Tưởng Giới Thạch bắt giam tới 3 lần, lần lâu nhất bị giam 5 tháng, nhưng cuối cùng ông đã được trả lại tự do cùng một số người khác.

images1958111_1.jpgCụ Hồ Tùng Mậu và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh:TL

Tháng 8/1928, ông lại bị bắt giam tới tháng 11/1929. Sau đó, Hồ Tùng Mậu đến Hồng Kong, gia nhập Chi bộ Hải ngoại của An Nam Cộng sản Đảng. Cũng trong thời gian này, thực dân Pháp đã cho lập phiên tòa ở Nghệ An để xử vắng mặt và kết án tử hình Hồ Tùng Mậu với tội danh “vận động lập Đảng Cộng sản, xúi giục đưa người ra nước ngoài, mưu đồ phản loạn”.

Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hồ Tùng Mậu là 1 trong 7 thành viên tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn tham dự Hội nghị với tư cách “cán bộ lãnh đạo ở hải ngoại”. Đây là mốc son đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

Ngày 6/6/1931, biết Nguyễn Ái Quốc bị mật thám Anh bắt tại Hương Cảng, Hồ Tùng Mậu đã kịp thời báo cáo cho cơ quan Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản, nhờ luật sư Lô-dơ-bai (Lozeby) đấu tranh buộc nhà đương cục Anh phải trả lại tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Nhưng đến ngày 30/6/1931, Hồ Tùng Mậu bị thực dân Anh bắt đưa lên Thượng Hải, thả vào tô giới Pháp để Pháp đưa về Việt Nam, kết thúc giai đoạn hoạt động cách mạng gian khổ của Hồ Tùng Mậu ở nước ngoài.
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hồ Tùng Mậu gặp gỡ các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (3/1951) - Ảnh tư liệu

Thực dân Pháp đã đưa Hồ Tùng Mậu đi khắp các nhà tù nổi tiếng với những chế độ hà khắc nhất. Đó là các nhà giam Hỏa Lò (Hà Nội), Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Tùng Mậu bất ngờ nhận được lệnh ra Hà Nội. Tại đây, ông gặp lại Lê Thiết Hùng từ Lạng Sơn đến. Hai người được mời vào gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, Bác nói:“Tôi biết các chú đã phải chịu nhiều khó khăn gian khổ, nhưng cách mạng vừa thành công, chúng ta chưa được phép nghỉ ngơi. Hiện nay, Chiến khu IV đang rất cần cán bộ lãnh đạo. Bác và Trung ương đã bàn kỹ, quyết định cử chú Mậu vào đó làm Chính ủy, chú Sửu (tức Lê Thiết Hùng) làm Khu trưởng…”.

Khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Hồ Tùng Mậu cũng là Giám đốc kiêm Chính ủy Trường Quân chính Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Năm 1947, ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV, đồng thời được bầu làm Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy.

Lăng mộ cụ Hồ Tùng Mậu ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).

Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Chính phủ và cử cụ Hồ Tùng Mậu giữ chức Tổng Thanh tra. Đầu năm 1950, Hội Việt - Hoa hữu nghị được thành lập. Cụ Hồ Tùng Mậu là Hội trưởng đầu tiên của tổ chức này. Tại Đại hội II của Đảng (2/1951), cụ Hồ Tùng Mậu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

17 giờ ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác, khi đến địa điểm ngã ba Cồng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, cụ Hồ Tùng Mậu đã hy sinh vì trúng đạn của máy bay Pháp.

Trọn cuộc đời hiến dâng cách mạng, Hồ Tùng Mậu từ một người yêu nước đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn thể hiện là một cán bộ cương trực, trung hậu, sẵn sàng làm nhiệm vụ với trách nhiệm cao, làm việc quên mình với tác phong chan hòa, bình dị, khảng khái, có uy tín lớn trong nhân dân. Cho đến phút cuối đời, Hồ Tùng Mậu luôn xứng đáng với lòng tin của nhân dân, của Đảng, của Hồ Chủ tịch gửi gắm.

Thái Bình
 
(Tổng hợp)