(Baonghean) - Thủ tướng Iceland là nhà chính trị đầu tiên buộc phải từ chức sau khi “Hồ sơ Panama” bị tiết lộ. Dự kiến trong những ngày tới, bê bối tài chính này sẽ kéo theo nhiều biến động lớn trong đời sống chính trị thế giới, bởi “Hồ sơ Panama” đang động chạm đến một trong những vấn đề thời sự nhất, nhạy cảm nhất của bất cứ quốc gia nào trên thế giới là chống trốn thuế, rửa tiền và nhu cầu cần minh bạch.
Cơ hội hạ bệ đối thủ chính trị
Chỉ 2 ngày sau vụ bê bối mang tên Panama được phanh phui, hàng loạt cuộc điều tra của các nước được tiến hành để tìm ra sự thật của những trang tài liệu có tên của nhiều người nổi tiếng là các chính trị gia, tỷ phú và các ngôi sao. Nhiều nước đã tỏ ra tức giận, thẳng thừng bác bỏ và xem đây như một chiêu bài chính trị đáng hổ thẹn của “những kẻ đứng đằng sau”.
Tuy chưa có kết luận chính xác cho thấy những nhân vật bị nêu tên muốn trốn thuế hay rửa tiền nhưng vụ rò rỉ thông tin lớn nhất từ trước đến nay này đã gây nên một sự rối loạn chính trị ở một số quốc gia và nguy cơ tạo ra một “cuộc xung đột” trong chính trường nhiều nước trong thời gian tới.
Lãnh đạo “ngấm đòn” đầu tiên từ Hồ sơ Panama là Thủ tướng Iceland. Báo chí Anh hôm qua đồng loạt đăng tải thông tin ông Sigmundura David Gunnlaugsson bị buộc phải từ chức do sức ép dư luận. Sau đó 1 ngày, Văn phòng Thủ tướng Iceland ra thông cáo cho biết Thủ tướng Gunnlaugsson chưa từ chức, chỉ là tạm ngưng cương vị trong một khoảng thời gian không xác định. Dù gì thì đây cũng là một “điểm đen” trong sự nghiệp chính trị của người đứng đầu xứ “băng đảo”.
Tại nhiều nước khác, vụ bê bối Hồ sơ Panama được coi là một cơ hội tốt đối với các lực lượng đối lập để hạ bệ đối thủ. Đơn cử là tại Anh, dù không có tên trong Hồ sơ Panama nhưng Thủ tướng Anh David Cameron cũng phải đứng trước tình huống khó xử khi người cha quá cố của ông có tên trong danh sách này. Trong bối cảnh ông Cameron đang đặt cược rất nhiều vào cuộc trưng cầu dân ý về khả năng nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, vụ bê bối lần này có khả năng gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Bảo thủ của ông.
Với nước Pháp, tài liệu Panama có thể tạo ra những thay đổi khó lường trong cán cân quyền lực giữa các đảng phái hay hình ảnh của các chính trị gia ở vào thời điểm nước này đang gấp rút cho các cuộc bầu cử quyết định bắt đầu từ cuối năm nay. Tiết lộ từ tờ Le Monde cho thấy sự dính líu của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia đến Hồ sơ Panama. Bà Marine Le Pen chủ tịch của đảng này dù không phải là nhân vật trong bộ hồ sơ bị rò rỉ nhưng cũng đang bị các đối thủ chính trị công kích.
Tương tự như vậy, giới lãnh đạo Ukraine, Pakistan, thậm chí Nga và Trung Quốc cùng nhiều nước khác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do “quả bom thông tin” mang tên Panama gây ra khi phe đối lập đã yêu cầu các cuộc điều tra ngay lập tức đối với những thông tin của vụ bê bối.
Không chỉ gây ra những sự xáo trộn trong nội bộ nhiều nước, vụ “Hồ sơ Panama” còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ song phương. Chính phủ Pháp thông báo đã đưa Panama trở lại danh sách đen các “thiên đường trốn thuế”. Ngay lập tức, quốc gia Trung Mỹ này tuyên bố sẽ có động thái đáp trả kinh tế nhằm vào Pháp. Các quan chức Panama còn khẳng định sẽ không “bị lợi dụng” như một “vật tế thần” cho các bên thứ 3.
Trong bối cảnh như vậy, Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế cảnh báo hơn 11 triệu tập tài liệu vừa qua “mới chỉ là sự khởi đầu”, và cuộc điều tra sẽ tiếp tục phanh phui những tên tuổi khác.
Cần sự minh bạch
Đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy những nhân vật bị nêu tên muốn trốn thuế hay rửa tiền. Tuy nhiên, chỉ riêng việc dính đến các công ty hoạt động ở “thiên đường thuế” hay thông tin về tài sản kếch sù của gia đình chính khách cấp cao cũng đủ khiến dư luận nghi ngờ. Và dù động cơ nào đi chăng nữa và mang bất cứ tính chất gì thì những tài liệu này cũng động chạm đến một trong những vấn đề người dân ở bất cứ quốc gia nào quan tâm đó là gian lận thuế, là thiếu minh bạch.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tính toán hàng năm chính phủ các nước thất thu 100-240 tỷ USD, tương đương 4-10% nguồn thu thuế toàn cầu, do hành vi trốn thuế của các công ty xuyên quốc gia. Tuy nhiên, sau tiết lộ gây sốc vừa qua, con số này chắc chắn sẽ được tính toán lại và tất nhiên với một số liệu cao hơn rất nhiều.
Điều này đang vẽ lên một bức tranh “bất bình đẳng” trong thu nhập trên toàn cầu. Trong khi những người lao động bình thường nhất vẫn ngày ngày đóng góp cho ngân sách đất nước thì những người giàu có, với khối tài sản lớn như trong mơ, lại ung dung tận hưởng trọn vẹn với các kế hoạch "đi đêm" cực kỳ bài bản và công phu.
Sự thật đáng buồn ấy cũng cho thấy bất chấp những biện pháp tích cực về thuế vụ của các quốc gia, cùng với sự chồng chéo, thiếu thống nhất theo kiểu "mạnh ai nấy làm" đang diễn ra, đã tạo những kẽ hở phi lý cho các hoạt động gian lận thuế khóa, tài chính và thậm chí là rửa tiền tầm cỡ quốc tế.
Không khó hiểu khi người dân Iceland lại phản đối mạnh mẽ đến vậy trước thông tin người đứng đầu chính phủ của họ bị nghi ngờ “có dính líu” đến bê bối trốn thuế. Những vụ bê bối kiểu này thường được xem là cực kỳ nhạy cảm tại Iceland, một quốc gia vốn có nền kinh tế phát triển và luôn tự hào về chủ nghĩa bình quân vào những năm 2000. Với mức thuế doanh nghiệp thấp được áp dụng khi đó, các nhà lãnh đạo và quan chức Iceland thường sử dụng hay lạm dụng các công ty bình phong để trốn thuế. Đây cũng là một trong những lý do khiến nước này rơi vào suy thoái trầm trọng, dẫn tới khủng hoảng kinh tế năm 2008. Vì thế sự phẫn nộ của người dân xứ “băng đảo” sau khi hồ sơ Panama bị tiết lộ cho thấy họ đã thất vọng đến thế nào với những người lãnh đạo đất nước.
Xét cho cùng, minh bạch thông tin luôn là nhu cầu bức thiết của người dân mọi quốc gia. Chủ tịch của nhóm Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin Jose Ugaz từng nhấn mạnh rằng, mọi người trên khắp thế giới đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những người cầm quyền rằng họ cần sự minh bạch, cần cải cách. Đây cũng là lý do vụ bê bối này đang và sẽ là tâm điểm chú ý của dư luận toàn thế giới trong thời gian tới.
Thanh Huyền