(Baonghean) - Thanh Phong (Thanh Chương) những ngày Thu ngập tràn sắc vàng, màu vàng của nắng, của cánh đồng lúa đang chín, của những nương ngô sắp đến kỳ thu hoạch...
Về với vùng đất lịch sử này, chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Duy Thọ (91 tuổi), một trong những người cao tuổi nhất xã để hiểu thêm về những ngày đấu tranh trong Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Cụ dẫn chúng tôi lên nhà thờ họ, nơi cách đây 85 năm là cơ sở hoạt động của Tỉnh ủy Nghệ An. Nhà thờ nằm lưng chừng sườn đồi, từ những bậc tam cấp đến cây cổ thụ, mái ngói đều toát lên vẻ đẹp cổ kính.
Nhà thờ họ Nguyễn Duy thuộc thôn Diên Tràng, xã Thanh Phong. Ngày trước, vùng đất này khá hẻo lánh nên được Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm cơ sở hoạt động trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh. Tại đây, đồng chí Nguyễn Tiềm - Bí thư Tỉnh ủy được vợ chồng ông Nguyễn Duy Dính - Trưởng họ tạo điều kiện làm việc tại nhà thượng điện. Đến bữa ăn, đồng chí sang ăn cơm cùng gia đình ông Dính, có thời gian rảnh đi thăm hỏi các gia đình trong làng. Qua đó, nắm bắt tình hình và tâm tư, nguyện vọng cũng như tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Nhà hạ điện được dùng để tổ chức hội họp, bàn bạc và soạn thảo kế hoạch đấu tranh, cũng là nơi để cơ sở về báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ. Có thể nói, những chủ trương quan trọng, kế hoạch đấu tranh trong từng giai đoạn đã ra đời tại nơi linh thiêng này. Cụ Nguyễn Duy Thọ cho biết thêm, thân sinh của cụ là Nguyễn Duy Tuân thời điểm ấy được giao nhiệm vụ canh gác cho đồng chí Nguyễn Tiềm làm việc. Hàng ngày, người nông dân ấy cuốc dọn, sẻ phát những đám rẫy quanh nhà thờ, mỗi khi có người lạ tìm đến hay bọn binh lính đi qua lập tức phát tín hiệu để đồng chí Nguyễn Tiềm có kế hoạch đối phó. Lúc ấy, Nguyễn Duy Tuân là đội viên Đội Tự vệ đỏ, về sau vẫn tiếp tục đi theo phong trào cách mạng và gia đình được tặng bằng “Có công với nước”. Và nhà thờ họ Nguyễn Duy được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia.
Nằm bên cạnh nhà thờ họ Nguyễn Duy, nhà thờ họ Nguyễn Ích được Ban Thường vụ Tỉnh ủy mượn làm nơi ấn loát tài liệu. Các loại công văn, chỉ thị và truyền đơn kêu gọi đấu tranh đều được ra đời từ nơi này. Trưởng ban ấn loát lúc ấy là đồng chí Hoàng Văn Tâm, là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Nghi Lộc, sau đó bị địch bắt và xử tử.
Nằm cách đó không xa là nhà thờ họ Nguyễn Bá. Địa điểm này được Tỉnh ủy chọn làm nơi lưu trữ, cất giữ tài liệu của Đảng. Cũng tại đây, những ngày cuối năm 1930 diễn ra Hội nghị kiện toàn tổ chức và triển khai Nghị quyết Thanh đảng do đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ điều hành. Chính sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy đã đẩy phong trào cách mạng lên cao, đặc biệt là phong trào ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn và Anh Sơn. Quần chúng khắp nơi đã vùng lên tranh đấu, khẳng định tinh thần đoàn kết và sức mạnh vô song dưới sự soi đường, chỉ lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó chính là một cuộc diễn tập với quy mô lớn để 15 năm sau làm nên cuộc cách mạng “long trời, lở đất”, trở thành tấm gương của các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Hàng thế kỷ trôi qua, cây sui Diên Tràng vẫn đứng sừng sững, uy nghiêm như để nhắc nhở bao thế hệ về những năm tháng hào hùng, về ngọn lửa cách mạng luôn rực cháy. Cây sui đứng trên đỉnh một quả đồi, chiều cao trên 30m, đường kính khoảng 2m, thân cây xù xì, rễ cây lan rộng và bám chặt vào lòng đất. Lúc ấy, vị trí xung quanh cây sui còn khá rậm rạp, thân cây có nhiều hốc nên Bí thư Nguyễn Tiềm và các đồng chí trong Ban Thường vụ thường chọn làm nơi cất giấu tài liệu. Hễ có động tĩnh gì, dù đang làm việc, hội họp hay nghỉ ngơi, các đồng chí lập tức cầm tài liệu quan trọng ra lối sau, tìm đến gốc cây sui để cất giấu.
Đứng bên gốc sui Diên Tràng, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi thấy cảnh vật ở Thanh Phong đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bóng cây tỏa bóng sum suê, phía trước là mái ngói rêu phong của nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy, Nguyễn Ích và Nguyễn Bá. Đây chính là điểm “kết nối” giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống đấu tranh hào hùng và công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Công Kiên