Và sau đó là một giai đoạn tụt dốc không phanh với những thất bại trên các mặt trận của cả thầy nội lẫn thầy ngoại.
Cũng trước khi ông Park đến Việt Nam, lứa U19 HAGL của những Công Phượng-Tuấn Anh-Xuân Trường từ năm 2013-2014 đã bắt đầu nổi lên như một hiện tượng mới mẻ, thu hút sự quan tâm của cả khu vực. Đó là một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản, khoa học, có kỹ thuật tốt, lối chơi tấn công đẹp mắt, tạo cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng cho bước đi lên của bóng đá Việt.
Hơn ai hết, HLV Park Hang-seo vô cùng yêu quý, tin cậy ở lứa cầu thủ này cũng như ông bầu của họ là ông Đoàn Nguyên Đức về cả năng lực chuyên môn cũng như những công việc liên quan khác. Nhưng cũng chính ông Park Hang-seo dễ dàng nhận ra gót chân Asin của các cầu thủ HAGL là khả năng va chạm kém, phòng ngự không tốt, chỉ giỏi tấn công trung lộ và không ai có bản năng sát thủ hay là một trung phong đúng nghĩa…
Vì vậy, khi xây dựng đội hình cho U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 tại Thường Châu, ngoài “nòng cốt” HAGL, có mặt các cầu thủ xuất sắc của Hà Nội FC, SLNA ở hàng phòng ngự như Đình Trọng, Duy Mạnh, Xuân Mạnh, tuyến giữa vắng Tuấn Anh thì đã có Quang Hải, Đức Huy, tuyến trên bên cạnh Công Phượng có Đức Chinh, Văn Đức hỗ trợ và bùng nổ…
Tương tự, khi xây dựng bộ khung cho ĐT Việt Nam từ đó về sau để tham gia giải châu lục hay AFF Cup, vòng loại World Cup, dễ thấy khi triệu tập danh sách ban đầu, HAGL là CLB luôn được gọi đông nhất nhưng đến khi gút danh sách, đăng ký thi đấu lại là câu chuyện khác. Thậm chí khi HAGL bỏ qua thời kỳ “cả tuổi thanh xuân chỉ lo trụ hạng” để thi đấu cực tốt tại V. League 2021 (thắng 10/12 trận) và vẫn có quân số đông ăn cơm tuyển thì theo thời gian và thực tế trên sân, những non yếu cố hữu của họ tiếp tục bộc lộ và năng lực đến đây gần như đạt tới ngưỡng không thể vượt qua.
Sau khi giúp bóng đá Việt lặp lại thành tích vô địch AFF Cup 2018, HCV SEA Games lần đầu tiên 2019 và lọt đến vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, ông Park Hang-seo bắt đầu nếm trải chuỗi 7 trận không thắng của ĐT Việt Nam trước các đối thủ hàng đầu châu lục và cố gắng tìm lại mình ở AFF Cup 2021 nhưng tiếp tục không thành công.
Điểm nhấn của câu chuyện không thành công đó là trận bán kết lượt đi gặp kình địch Thái Lan, ông Park Hang-seo tung vào sân 6 cầu thủ HAGL và nhận lấy kết quả cay nghiệt: thua trắng 2 bàn. Đến trận lượt về, ông Park thay đổi lực lượng và tạo được thế trận rất tốt ở hiệp 1. Nhưng từ đầu hiệp 2, ông Park Hang-seo lại lần lượt tung các nhân tố HAGL vào sân và kết cục là lần đầu tiên ông thầy phải làm điều cực chẳng đã phê phán đích danh học trò trước dư luận, rồi tự vấn “tôi không ngốc…”.
Để rồi ai cũng biết trong trận đấu quan trọng bậc nhất của ông thầy người Hàn Quốc và ĐT Việt Nam để lấy lại danh dự là trận đấu gặp ĐT Trung Quốc trên sân Mỹ Đình, đội hình xuất phát chỉ có duy nhất một cái tên từ HAGL là hậu vệ trái Hồng Duy. ĐT Việt Nam với sự trở lại đầy hùng dũng của Hùng Dũng, sự ăn ý và đẳng cấp của bộ ba Quang Hải- Hoàng Đức-Hùng Dũng, ngòi nổ mới mẻ và đẳng cấp Tuấn Hải, sự trở lại không thể ngọt ngào hơn của Văn Đức, Tiến Linh… đã là “công thức thành công mới” của ông Park Hang-seo trong thời kỳ mới.
Dù không ai nói ra thành lời, ông Park Hang-seo tất nhiên cũng không bao giờ nói, nhưng tất cả đều hiểu rằng, thời rực rỡ, hoàng kim của một số ngôi sao bóng đá Việt đã dần đi qua, nhường chỗ cho những nhân tố mới, khát vọng mới vốn không bao giờ thiếu trong làng bóng đá Việt. Tất nhiên, nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn, chấp nhận làm lại từ V. League 2022, nhiều nhân tố cũ sẽ tiếp tục được tin dùng ở mọi cấp độ khác nhau trong sự cạnh tranh quyết liệt ở từng vị trí, từng trận chiến sắp tới.
Vấn đề là ông Park Hang-seo có đủ trải nghiệm sau mỗi thắng bại của đội tuyển, biết rõ mạnh yếu của từng tuyển thủ, biết cách ứng xử trọn vẹn mọi mối quan hệ riêng chung vì bóng đá Việt, để mạnh dạn áp dụng “công thức thành công mới” vì bước vươn tầm đầy gian khó ở phía trước, mà tuyệt đối không phải lấn cấn, băn khoăn vì bất cứ điều gì?.