(Baonghean.vn) - Trồng cam mô hình thâm canh thời kỳ kiến thiết cơ bản theo VietGAP ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã cho năng suất, chất lượng hơn hẳn so với vùng cam trồng truyền thống.

Từ lâu, Quỳ Hợp đã là thủ phủ của Cam Vinh. Trước đây, cam Quỳ Hợp chủ yếu tập trung ở xã Minh Hợp. Sau tỉnh xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý Cam Vinh, giá trị thu được từ cây cam tăng cao nên người dân ở các xã Hạ Sơn, Văn Lợi, Châu Đình... đã quan tâm, chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam.

1501991704602.jpgÔng Nguyễn Bá Lâm ở xóm Hương Châu, xã Châu Đình (Quỳ Hợp) dùng rơm rạ phủ gốc cây giữ ẩm cho cam. Ảnh: Phan Giang

Ông Nguyễn Bá Lâm là một trong những người tiên phong trong việc áp dụng mô hình sản xuất cam theo hướng VietGAP ở xã Châu Đình. Gia đình ông có 3 ha cam xã Đoài lòng vàng, trong đó có 1,5 ha cam 3 năm tuổi, 1 ha 2 năm tuổi và 0,5 ha 1 năm tuổi .

Năm nay, thông qua Trạm Khuyến nông huyện, gia đình ông Lâm được hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình thâm canh cam thời kỳ kiến thiết cơ bản theo VietGAP trên diện tích 2 ha xã Đoài.

Nhờ được sự tư vấn tích cực của cán bộ khuyến nông và thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật, chăm sóc nên diện tích cam của ông phát triển tốt, hiện 1,5 ha cam 3 năm tuổi đang chuẩn bị bước vào thu hoạch bói khoảng 5 tấn cam quả, trị giá từ 200 - 300 triệu đồng.

"Năm 2015 trở về trước, gia đình tôi trồng sắn, mía, sau thấy không hiệu quả đã đổi sang trồng cam. Nhờ ban khuyến nông huyện có chủ trương cho học theo hướng VietGAP, và được hỗ trợ phân bón hiện tại cam vào năm thứ 3 cho quả bói" - ông Nguyễn Bá Lâm chia sẻ.

Cán bộ Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp thường xuyên thăm vườn để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo hướng VietGAP. Ảnh: Phan Giang

Thời điểm năm 2011, diện tích cây cam ở Quỳ Hợp chỉ hơn 1.100 ha, nay đã lên đến trên 2.500 ha. Diện tích cây cam tăng trưởng "nóng", nhiều hộ dân trồng hàng chục ha cam nhưng chủ yếu trồng theo kinh nghiệm truyền thống, do đó chất lượng cam đạt tiêu chuẩn không nhiều; cây dễ phát sinh sâu bệnh dẫn đến việc sử dụng giống, quy trình chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng còn phổ biến, chưa có sự đồng nhất ở các vườn cam.

Chính vì vậy, bà con đang được ngành Nông nghiệp nói chung và UBND huyện Quỳ Hợp nói riêng khuyến khích trồng cam theo quy trình VietGAP.

Theo bà Trương Thị Lài - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quỳ Hợp, trong những năm 2011, 2012, Trạm đã xây dựng thành công các mô hình trồng thâm canh cam theo hướng VietGAP ở xã Minh Hợp đạt hiệu quả cao.

Năm nay 2017, Trạm đã thực hiện xây dựng mô hình cam VietGAP tiếp theo ở xã Châu Đình và hỗ trợ một phần kinh phí, vật tư phân bón và hướng dẫn sử cách dụng thuốc bảo BVTV; hiện cam phát triển tốt, qua mô hình này để bà con học tập, nhân ra diện rộng.

Ông Nguyễn Bá Lâm vui mừng khi có thu nhập từ 200-300 triệu đồng từ trồng cam. Ảnh: Phan Giang

Để từng bước hướng đến sản phẩm cam sạch, chất lượng trên địa bàn huyện, năm 2016, huyện Quỳ Hợp đã có đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo" tại địa bàn 6 xã gồm Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn và Tam Hợp.

Đây là những địa phương nằm trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ có truyền thống phát triển cây cam. Tổng kinh phí để thực hiện đề án dự kiến khoảng 650 tỷ đồng, được phân khai bằng các nguồn vốn từ ngân sách, doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài và huy động từ người dân. Đề án hướng đến quy trình sản xuất cam khép kín từ khâu tuyển giống cho đến chế biến sản phẩm và đưa ra thị trường.

Hiệu quả từ của các mô hình trồng cam ViêtGAP đã bước đầu thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất cũ của nông dân.  Khuyến khích nông dân hướng tới xây dựng thương hiệu cam Vinh ở Quỳ Hợp theo chuẩn VietGAP. 

Phan Giang

TIN LIÊN QUAN