Từ bỏ công việc ổn định với mức lương hàng ngàn USD, anh Hải về nhà mở dịch vụ “đánh giày, sửa túi” để theo đuổi đam mê của mình. Chỉ sau 3 năm, cửa hàng của anh đã trở nên nổi tiếng. Làm không hết việc, có những lúc anh phải từ chối khách.
Bỏ việc ngàn đô vì mê đánh giày
Cầm trên tay chiếc túi Louis Vuitton dáng hến, anh Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1987, chủ một cửa hàng spa đồ hiệu nằm trên phố Đường Thành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khoe, đây là chiếc túi vừa được anh spa xong, không còn vết móp méo, ố mốc, trả lại màu đỏ lì rực rỡ như mới mua.
Anh Hải vốn là du học sinh học ngành Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Giao thông bên Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, trở về Việt Nam, anh được nhiều doanh nghiệp nước ngoài mời làm việc, chủ yếu về mảng xuất nhập khẩu vì vốn từ và kinh nghiệm phong phú. Song, anh Hải tâm sự, mặc dù được trả lương hậu hĩ, lên đến hàng ngàn đô la mỗi tháng, song cuộc sống mỗi ngày đều lặp đi lặp lại một cách nhàm chán khiến anh cảm thấy không hài lòng về bản thân mình.
Tình cờ một lần, khi đưa đôi giày hàng hiệu đã cũ ra vỉa hè đánh xi, lớp xi rẻ tiền làm đôi giày của anh bị lem nhem, bong tróc đến thảm hại. Dở khóc dở cười vì dùng không được, vứt bỏ cũng tiếc bởi giá của nó khá đắt, anh đành vào internet mày tìm cách sửa.
Trong lúc tìm kiếm thông tin, đập vào mắt anh là hình ảnh một đôi giày nhưng hai chiếc khác nhau hoàn toàn. Một chiếc mốc meo, cũ xì, méo mó mất dáng, chiếc còn lại bóng loáng, đẹp đến từng milimet, mới tinh tươm như vừa mang từ cửa tiệm ra. Cảm thấy choáng ngợp, anh đọc mê mải và hiểu ra, chỉ cần “tân trang” đúng cách, đúng công nghệ thì chiếc giày mốc meo chỉ muốn quẳng sọt rác cũng có thể “từ cú hóa tiên”.
“Tôi bị ấn tượng mạnh mẽ. Từ hôm đó, trong đầu tôi liên tục đặt ra câu hỏi, với những món đồ hiệu đắt tiền, dịch vụ sửa chữa, làm mới chúng không thể đơn giản. Vậy những người chơi đồ hiệu phải làm thế nào? Họ có nhu cầu gì? Đồ cũ không lẽ lại bỏ đi?”.
Không chỉ tìm trên mạng, anh còn dò hỏi từ những mối quan hệ của mình và nhận ra, lĩnh vực này ở Việt Nam hầu như không ai biết đến. Ý định mở dịch vụspa đồ hiệu nung nấu trong anh ngày một rõ.
Thế nhưng, khi nghe con trai ngỏ ý muốn bỏ công việc hiện tại để tập trung “đánh giày, sửa túi”, bố mẹ anh Hải rất sốc. Mẹ anh tìm đủ lý lẽ thuyết phục: “Đánh đôi giày 10.000 đồng, giặt cái áo mười mấy ngàn. Giờ con bỏ ra 20 triệu đồng/tháng thuê cửa hàng làm mấy thứ này thì lợi nhuận ở đâu? Con tính lại xem có khả thi không?”.
Lúc ấy, anh phải kiên nhẫn giải thích cho bố mẹ hiểu từng chút một. Rằng anh muốn hướng đến dịch vụ cao cấp, dành cho phân khúc khách thượng lưu mà không phải ai cũng biết về kỹ thuật. Bởi thế, chi phí có thể cao gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần so với đánh một đôi giày, giặt cái áo thông thường. Phải mất một thời gian khá dài, bố mẹ anh mới xuôi và chịu để anh theo đuổi ý định này.
Đóng cửa, từ chối khách vì quá đông
Anh Hải cho hay, ở nước Ý, dịch vụ spa cho những vật dụng cá nhân có từ cách đây 40 năm. Mặc dù khi ấy công nghệ còn thô sơ nhưng họ có thể đánh bóng chiếc túi da của mình, làm mờ đi vết xước hay mạ lại lớp kim loại bị han khiến món đồ trông như mới.
Để theo đuổi đam mê một cách nghiêm túc, anh Hải bàn với anh Đoàn Văn Khang, một người bạn, cũng là đồng nghiệp lâu năm của mình lên kế hoạch từng bước, có sự đầu tư về công sức, tiền bạc. Anh bỏ tiền mua một số tài liệu nước ngoài về các phương pháp làm mới đồ hiệu. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh nghiền ngẫm tài liệu đến quên ăn quên ngủ. Những công nghệ tân tiến chưa từng xuất hiện ở Việt Nam khiến anh thích thú vô cùng.
Từ một người không hiểu gì về đồ hiệu, để có kinh nghiệm phong phú như hiện tại, anh còn tự đầu tư cho bản thân một khóa học giám định thật - giả bên Nhật Bản, nhờ đó, khi khách mang đồ đến spa, anh có thể biết ngay hàng thật hay nhái rồi tư vấn cho khách một cách phù hợp nhất.
Thời gian đầu mở dịch vụ spa đồ hiệu, anh gặp khá nhiều khó khăn. Mỗi món đồ cần hết sức thận trọng, nâng niu không được phép để xảy ra sai sót, bởi giá trị của mỗi món đồ rất lớn. Ví như chiếc thắt lưng Hermes có giá hơn 30 triệu đồng, chiếc túi xách Chanel có giá gần 100 triệu đồng. Chỉ cần một chút sai sót, anh có thể phải đền khách một số tiền lớn, chưa kể làm mất uy tín - điều tối kỵ trong làm dịch vụ.
Ngoài ra, những công nghệ mới liên tục được cập nhật nên anh không được phép hài lòng với bản thân, không ngừng học hỏi.
“Có lần phát hiện ra một công nghệ mới, tôi thức trắng cả đêm để tìm hiểu. Sáng ra, tôi lao thẳng đến xưởng để thử nghiệm”. Chẳng hạn như chiếc túi Chanel da bóng bị đốm đen do ảnh hưởng của khí hậu nóng ẩm, trước anh phải đầu hàng thì nay, khách yên tâm hoàn toàn khi giao cho anh xử lý, với mức chi phí khoảng 5 triệu đồng/lần cho dịch vụ làm mới da.
Anh Hải cho biết, spa đồ hiệu có rất nhiều dịch vụ khác nhau. Về cơ bản có làm sạch, bảo dưỡng như tẩy vết bẩn, vết ố và dưỡng lại da cho mềm, rồi làm mới như khắc phục vết xước da, trầy da, phun phủ màu. Với mỗi một món đồ, anh phải giữ lại ít nhất 1 tuần sau khi làm xong để kiểm tra, theo dõi kết quả, đảm bảo sản phẩm đạt mức tốt nhất.
Đến nay, sau 3 năm, dịch vụ spa đồ hiệu của anh Hải đã thu hút được một lượng lớn khách trong và cả ngoài nước như Malaysia, Singapore,... Mỗi ngày, anh nhận khoảng 10 đơn hàng. Thậm chí lúc cận Tết, anh phải từ chối bớt khách vì quá tải. “Nếu làm rối sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và uy tín của chính mình”, anh nói.
Theo Minh Hiên/VNN