Ứng dụng cơ giới trong sản xuất
Xã Đồng Văn có ít diện tích đất bằng, bị chia cắt bởi nhiều khe suối và đất khá bạc màu. Việc ứng dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp, vì thế rất cần thiết trong điều kiện nhân lực lao động trẻ ngày một ít. Xã Đồng Văn đã triển khai đầu tư 50 ha mía tập trung ở Thung Mòn có hỗ trợ của chương trình nông thôn mới và Công ty CP Mía đường Sông Con. Diện tích mía này được cày bằng máy, ứng dụng giống mía mới và thâm canh phân bón đúng quy định, nhờ vậy hiện nay mía phát triển đều, khỏe, theo đánh giá, có khả năng đạt trên 80 tấn/ha.
Ông Phan Đức Quang - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: Ngoài 50 ha nói trên, ở Đồng Văn còn có mô hình tích tụ ruộng đất của ông Nguyễn Đình Chất ở Thung Mòn với 24 ha, diện tích được cày bằng máy 3 chảo, bón phân cân đối, sử dụng giống mới, năng suất mía ước đạt trên 100 tấn/ha. Năm đầu tiên thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất sản xuất mía, bà con yên tâm bởi nhà máy đường cam kết thu mua. Hiện Đồng Văn có 594 ha mía và đây vẫn là cây trồng chủ lực trên địa bàn.
Ông Phan Văn Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết: Sau khi UBND huyện có kế hoạch trồng mía tập trung, xã giao xóm Thanh Trà thực hiện, tất cả các khâu như cày, trồng đều bằng máy, giống mía mới của Thái Lan cho năng suất cao. Bà con chăm sóc cẩn thận, bón phân đúng quy trình, nhờ vậy đến nay mía phát triển lóng đều, cao, mật độ đảm bảo, dự kiến năng suất đạt 110 tấn/ha. Thực hiện mô hình, xóm được huyện hỗ trợ 150 triệu đồng. Đây là năm thứ 2, xóm Thanh Trà thực hiện sản xuất mía tập trung, năm ngoái mía đạt 100 tấn/ha. Tính ra 1 ha đạt hơn 100 triệu đồng, mía lại lưu gốc được thêm 2 năm nữa, người trồng mía lãi hơn 50 triệu đồng/ha.
Tăng tích tụ ruộng đất sản xuất lớn
Công ty CP Mía đường Sông Con hiện có gần 7.000 ha mía, trong đó có khoảng 3.000 ha mía chất lượng cao, đạt năng suất gần 80 tấn/ha và có gần 900 ha mía sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn. Xác định thâm canh, nâng năng suất mía là giải pháp cạnh tranh hàng đầu trong bối cảnh khó khăn, 2 năm gần đây Công ty tập trung đầu tư cơ giới hóa để trồng và chăm sóc mía. Bên cạnh đó, công ty đang triển khai giải pháp thuê đất của nông dân để tích tụ diện tích lớn nhằm sản xuất hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng phòng nông vụ của Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: Triển khai chủ trương này, vụ xuân 2018, Công ty đã thuê được 100 ha đất xấu, khó sản xuất hoặc sản xuất không hiệu quả từ đó giao lại cho 3 chủ sản xuất để đầu tư thâm canh trồng mía theo đúng quy trình. Công ty rất hoan nghênh các hình thức liên doanh, liên kết của nông dân đối với nhà máy để sản xuất hiệu quả hơn, hai bên cùng có lợi.
Điều kiện đảm bảo trong quá trình góp đất liên kết sản xuất đó là nông dân vẫn được giữ nguyên diện tích đất của mình. Trước khi vào vụ sản xuất mía, nông dân được hưởng trước một khoản lợi nhuận cố định tương đương với giá thuê đất tại thời điểm...Công ty cũng hỗ trợ những người tìm được đối tác cho công ty thuê đất và những người cho công ty thuê lại đất để trồng mía.
Công ty CP Mía đường Sông Con cũng ban hành chính sách kích thích cạnh tranh, như: Nông dân được vay vốn đầu tư giống mới 12 triệu đồng/ha, vay chi phí cày ba chảo, vay chi phí trồng mía bằng máy kết hợp bón phân 3,8 triệu đồng/ha, chi phí chăm sóc mía lưu gốc 1,8 triệu đồng/ha, trong đó hỗ trợ 2,4 triệu đồng/ha (làm đất) và 4,4 triệu đồng/ha trồng mía vụ thu...
“Năm 2018, huyện Tân Kỳ đẩy mạnh sản xuất mía tập trung trên nhiều cánh đồng lớn và bước đầu yên tâm về hiệu quả. Tích tụ ruộng đất nhằm ứng dụng KHKT vào sản xuất nhưng phải đảm bảo nông dân có lãi, sản phẩm có đầu ra. Hiện nay trên đồng đất Tân Kỳ, trong điều kiện chưa nhiều liên kết với doanh nghiệp, thì cây mía là minh chứng cụ thể cho hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Tân Kỳ cho biết.