(Baonghean) - Những năm gần đây, thông qua Hội nông dân, hàng ngàn nông dân huyện Yên Thành được học các nghề mới. Với chương trình đào tạo có trọng tâm, trọng điểm gắn tiềm năng của từng địa phương, nhiều nông dân quê lúa đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu từ các nghề mới.

images1067283_thuc_hien_chuong_trinh_dao_tao_nghe_da_giup_hang_ngan_hoi_vien_nong_dan_co_them_thu_nhap_on_dinh_cuoc_song.jpgHội viên Hội Nông dân xã Liên Thành (Yên Thành) làm sản phẩm đan lát sau khi được đào tạo nghề.
 
 
 
Theo tiêu chuẩn mới, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện Yên Thành còn 8,71%, dự kiến phấn đấu cuối năm 2014 giảm xuống còn 6,8%. Vì vậy, để góp phần thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Hội nông dân các cấp ở Yên Thành đã đa dang hóa các phong trào, hoạt động, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt là đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”. Hội đã chọn đào tạo nghề cho hội viên làm giải pháp cơ bản, tạo động lực quan trọng để giúp nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bình quân mỗi năm ở Yên Thành đã có gần 3.000 hội viên được đào tạo nghề như: mây tre đan xuất khẩu; mây móc sợi; sản xuất tăm hương, đồ mộc mỹ nghệ, nghề trồng nấm...  
 
Anh Nguyễn Văn Thọ ở xã miền núi Lý Thành là 1 trong hơn 600 hộ của 16 xã trên địa bàn huyện Yên Thành được tập huấn, đào tạo bài bản về nghề trồng nấm. Đây là một nghề mới nhưng mang lại hiệu quả rất thiết thực trong hơn 3 năm qua ở Yên Thành. Anh cho biết, sau khi được đào tạo nghề, anh đã dồn sức, nhân lực của gia đình để trồng nấm. Hiệu quả mang lại khá cao và tích lũy được vốn, anh quy hoạch xây dựng nhà xưởng để sản xuất. Trong quá trình làm được hội nông dân từ huyện, đến xã tổ chức chuyển giao các tiến bộ KHKT, tuân thủ đúng quy trình như: ngâm ủ, xử lý nguyên vật liệu, thu hái đảm bảo. Hiện nay, bình quân mỗi ngày cơ sở này cung cấp cho thị trường 2 tạ nấm tươi, giá bán từ 25 - 30.000 đồng/kg, thu về mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Còn đối với chị Tăng Thị Điểm, ở xóm 1, xã Thọ Thành là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế phụ thuộc mấy sào ruộng khoán. Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho chị học nghề mây tre đan xuất khẩu. Chị cho biết: Tranh thủ thời gian nông nhàn làm nghề đan lát, sản phẩm được HTX Thắng Lợi bao tiêu nên gia đình có việc làm ổn định, thu nhập mỗi tháng khoảng 2 – 2,5 triệu đồng.
 
Một trong những tổ chức cơ sở hội làm tốt công tác giảm nghèo phải kể đến Hội Nông dân xã Mỹ Thành. Toàn xã có gần 1.500 hội viên, sinh hoạt tại 18 chi hội. Những năm qua, nhờ phát huy tốt vai trò của các chi hội nông dân, nên nhiều gia đình hội viên đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu. Trong số 169 hộ hội viên được suy tôn làm ăn giỏi các cấp thì đã có 31 hộ được công nhận làm ăn giỏi cấp huyện, 4 hộ cấp tỉnh và 1 hộ được Trung ương suy tôn, đó là mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc, đảm bảo vệ sinh môi trường của anh Nguyễn Đình Hoài, đạt doanh thu mỗi năm gần 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành cho biết: “Dựa trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã, Hội Nông dân chú trọng thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho nông dân. Ví dụ đào tạo nghề nuôi gà thả vườn, trồng cỏ, chăn nuôi trâu bò hàng hóa, để hội viên phát huy tiềm năng lợi thế đất đai, đồng thời thu hút các nguồn vốn giúp nông dân vươn lên thoát nghèo... Hội cũng giao chỉ tiêu cụ thể cho các chi hội, tiến hành khảo sát xem hội viên thiếu về cái gì. Nếu thiếu vốn thì thành lập quỹ giúp hội viên phát triển kinh tế; thiếu kiến thức thì tham mưu để Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, có thể từ sơ cấp, trung cấp nhằm cung cấp các kiến thức KHKT giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. 
 
Ông Thái Đình Cầu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thành cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nghề cho nông dân trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tập trung khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân phù hợp với đào tạo nghề. Bố trí giáo viên và tổ chức mở các lớp học đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời nâng cao hiệu quả sau đào tạo nghề để phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tập trung hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi thông qua các kênh như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT... đảm bảo 100% nông dân có nhu cầu về vốn được tiếp cận các nguồn vốn và KHKT để áp dụng sản xuất, vươn lên giảm nghèo bền vững. Phối hợp với UBMTTQ các cấp xây dựng chương trình hỗ trợ nông dân về chăn nuôi, như cho vay vốn chăn nuôi bò theo hình thức luân chuyển, luân canh.
 
Có thể nói, trong điều kiện khó khăn chung, cùng với các cấp, các ngành, công tác đào tạo nghề cho nông dân thông qua Hội Nông dân ở Yên Thành đã thu được nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm nghèo nhanh, bền vững, thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Bài, ảnh:Anh Tuấn
(Đài Yên Thành)