(Baonghean) - Với những định hướng của Nghị quyết số 11- NQ/TU, Thị xã Hoàng Mai xác định tập trung phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Đây là hướng đi đúng đắn dựa trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu, Thị xã Hoàng Mai phải có quyết tâm cao, lộ trình và giải pháp phù hợp.
 
images1067322_s_n_xu_t_ch__bi_n_d__dam_t_i_c_ng_ty_d__ho_ng_mai.jpg.jpgChế biến đá dăm tại Công ty đá Hoàng Mai.
 
 
Mặc dù mới thành lập hơn 1 năm, lại trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhất là trật lụt lịch sử tháng 10/2013, nhưng với nỗ lực vượt bậc, năm 2013, Thị xã Hoàng Mai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 8,55%; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 73,3%, tăng 5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn chiếm 23,24%, giảm gần 9%. Những chỉ số trên thể hiện bước phát triển mạnh mẽ của một thị xã đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, đã khởi công hàng chục công trình với số vốn trên 2.500 tỷ đồng. Đó là chưa nói, trên lĩnh vực công nghiệp, ngoài Nhà máy Xi măng Hoàng Mai 1, công suất trên 1,4 triệu tấn/năm và Công ty chế biến đá Hoàng Mai đang sản xuất thì hiện nay, Dự án Xi măng Hoàng Mai 2 và Xi măng Tân Thắng có tổng công suất xấp xỉ 6 triệu tấn/năm đang triển khai; Dự án thép xốp Kobelco, Nhà máy gạch không nung, Dự án tổ hợp Nhiệt điện Quỳnh Lập đã chuẩn bị xong mặt bằng và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục đầu tư.
 
Bên cạnh đó, để tạo mặt bằng thu hút các dự án đầu tư mới, thị xã đang tiếp tục quy hoạch mở rộng một số khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn như: KCN Hoàng Mai 2, KCN Đông Hồi. Ông Lê Minh Tịnh - Giám đốc Công ty Chế biến đá Hoàng Mai, nhận định: Thị xã xây dựng chiến lược phát triển hướng mạnh vào công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch là đúng đắn. Định hướng này không chỉ khai thác được tiềm năng tài nguyên địa phương, mà còn là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điều ông Tịnh nhận định cũng xuất phát từ thực tế hơn 50 năm hình thành, phát triển của công ty với lĩnh vực chính ban đầu là khai thác và nghiền đá dăm; thế nhưng, gần đây đã chuyển hướng đầu tư sản xuất thanh tà vẹt và xây dựng. Nhờ vậy, công ty không chỉ là 1 trong 3 đơn vị chuyên sản xuất thanh tà vẹt của Tổng Công ty Đường sắt, doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng/năm, mà bình quân mỗi năm công ty đóng cho ngân sách thị xã từ 10 - 15 tỷ đồng...
 
Về thực hiện định hướng đẩy mạnh phát triển thương mại, thị xã sẽ ưu tiên phát triển hệ thống thương mại dịch vụ với 8 chợ, 1 trung tâm thương mại hạng 3, một số siêu thị và cơ sở lưu trú... Mặc dù mới thành lập, nhưng Thị xã Hoàng Mai đã có 5 ngân hàng đến hoạt động, trong đó có 2 hội sở chính và 3 chi nhánh, với tổng nguồn vốn huy động đạt trên 2.557 tỷ đồng, dư nợ 3.286 tỷ đồng, trong đó 97% dư nợ là đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... Một trong những mảng dịch vụ lợi thế mà Thị xã đang tập trung đầu tư là hậu cần nghề cá nhằm đáp ứng nghề khai thác, đánh bắt thủy, hải sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế thị xã, với trên 60% giá trị sản xuất của các phường, xã ven biển như: Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập.
 
Ông Phạm Chí Diên - Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Hoàng Mai cho biết: Dịch vụ hậu cần nghề cá có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế biển của thị xã, nhưng hạ tầng các bến cá trên địa bàn chưa được đầu tư một cách cơ bản. Bến tàu, thuyền ra vào chủ yếu do địa phương và người dân đầu tư một cách tự phát, nên chất lượng phục vụ còn nhiều hạn chế, bến bãi chưa quản lý, giám sát nên môi trường chưa được sạch sẽ... Thời gian tới, để nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá, cùng với đẩy nhanh rà soát quy hoạch và tiến độ các dự án, thị xã phải có kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chất lượng dịch vụ hậu cầu nghề cá. Theo đó, cùng với tiếp tục nâng cấp các tuyến kè ở bến cá Quỳnh Lập đang đầu tư dang dở, thị xã phải thường xuyên tổ chức nạo vét luồng lạch và nơi neo đậu để tàu, thuyền công suất lớn ra vào thuận lợi. Bên cạnh đó, sớm có kế hoạch nâng cấp cầu Quỳnh Phương để vừa đảm bảo cho tàu công suất lớn đi lại an toàn, thuận lợi; vừa đảm bảo kết nối giao lưu đi lại giữa trung tâm thị xã với điểm du lịch văn hóa đền Cờn và kết nối với tuyến du lịch biển Quỳnh (Quỳnh Lưu). 
 
Về định hướng phát triển du lịch, cùng với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho du lịch biển, Thị xã Hoàng Mai cần tập trung đầu tư khảo sát để lập tuyến du lịch sinh thái và văn hóa từ đền Cờn, cửa sông Mai Giang ngược lên thượng nguồn đến hồ Vực Mấu; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để khai thác du lịch văn hóa tâm linh, trong đó nổi bật là đền Cờn (Quỳnh Phương), đền Xuân Úc (Quỳnh Liên)... Theo thống kê, bình quân mỗi năm Thị xã Hoàng Mai đón 11-13 vạn lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó nhiều nhất là du lịch văn hóa tâm linh tại Đền Cờn. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu mỗi năm thu hút từ 25 - 30 vạn lượt khách đến du lịch, thị xã phải đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng du lịch, quy hoạch lại các tuyến du lịch sao cho hợp lý, giữ chân được du khách...
 
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Bí thư Thị ủy Hoàng Mai cho biết: Sau khi Nghị quyết 11 của BTV Tỉnh ủy được ban hành, thị ủy vừa xem xét thông qua danh mục 29 đề án, chương trình trọng điểm để triển khai thực hiện. Sắp tới, để Thị xã Hoàng Mai trở thành đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và là đô thị động lực của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, thị xã xác định công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và là lĩnh vực đột phá. Muốn làm được điều đó, trong 9 nhóm giải pháp, thị xã đã lựa chọn 2 mũi đột phá là làm tốt công tác quy hoạch để quy hoạch phải đi trước 1 bước; bên cạnh đó, phải tập trung cải cách hành chính để tạo đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân, từ đó cải thiện môi trường thu hút đầu tư.
 
Bài, ảnh: Nguyễn Hải