(Baonghean) - Để đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, thời gian qua tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn được chú trọng; nhiều mô hình đào tạo nghề đã cho hiệu quả thiết thực...
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực cũng như thực trạng tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề còn cao ( trên 70%, trong đó lao động nông thôn là trên 81%), những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nghề, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhiều chương trình gắn dạy nghề với tạo việc làm.
Trong 2 năm 2010 - 2011, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề công lập với tổng mức đầu tư là 139,176 tỷ đồng. v.v... Bằng nhiều biện pháp tích cực, trong giai đoạn 2005 - 2010, bình quân mỗi năm đã có trên 60.000 lượt người trong tỉnh được đào tạo nghề và năm 2011 là 70.000 lượt người.
Sản xuất mây tre đan cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Nghi Thái.
Trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo từ các cấp, thực hiện điều tra nhu cầu học nghề của người lao động, qua đó xác định rõ các ngành, nghề đào tạo cho người dân đối với từng vùng, miền, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương để lựa chọn ngành nghề đào tạo cho phù hợp. Huy động 48 cơ sở thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, giao chỉ tiêu cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể. Lao động sau thời gian học nghề được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm...
Nhờ đó, thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Bà Lang Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho hay: "Huyện đã chỉ đạo khôi phục và phát triển giống vịt bầu Quỳ Châu và giao cho doanh nghiệp Diệu Châu dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng thức ăn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Sau 3 năm thực hiện, đã có 200 hộ nông dân tiến hành chăn nuôi với tổng số đàn hơn 40.000 con. Vịt nuôi trong 4 tháng có trọng lượng 2 kg/con, với giá 100.000 đồng/kg, bình quân thu nhập 40-50 triệu đồng/năm/hộ. Hiện huyện đang tập trung phát triển nghề làm hương trầm, thổ cẩm - đây là những hướng thoát nghèo từ đào tạo nghề gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...". Ngoài ra còn có mô hình gắn sản xuất kinh doanh với dạy nghề của Công ty TNHH Đức Phong - Nghi Phong - Nghi Lộc. Hàng năm, công ty đã tạo nghề cho trên 700 lao động nông thôn và cung cấp vật tư, nguyên liệu, mẫu mã hàng mây tre đan xuất khẩu và bao tiêu sản phẩm.
Đến nay, công ty có 2.000 lao động ở các làng nghề. Địa phương tiêu biểu mà công ty Đức Phong gắn kết để đào tạo nghề và phát triển là xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Năm 2005, Nghi Thái vẫn là xã nghèo. Nhờ phối hợp với Công ty TNHH Đức Phong khôi phục nghề mây tre đan, đến nay, đã có 10/11 làng nghề trong xã được khôi phục, người dân có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,5%...
Ông Nguyễn Xuân Phượng - Trưởng phòng quản lý Đào tạo nghề, Sở LĐTBXH cho biết: Trong 2 năm qua, thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ cũng như các chủ trương, chính sách ban hành của tỉnh, chương trình đào tạo từng bước hướng tới sát, đúng với nhu cầu thực tế như: Miền núi - phát triển ngành nghề lâm nghiệp, lâm sinh, chăn nuôi đại gia súc; trung du - phát triển ngành nghề cây ăn quả, cao su, chăn nuôi bò sữa; vùng biển - phát triển nghề đánh bắt nuôi trồng chế biến thủy, hải sản, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp...
Đối với những xã có diện tích sản xuất nông nghiệp hạn chế thì chuyển hướng nghề chăn nuôi gia súc và phi nông nghiệp cho người nông dân... từ đó các lớp học nghề được lựa chọn có căn cứ khoa học và thực tiễn. Những mô hình được chọn, được triển khai quả thật đã cho hiệu quả thực sự. Riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng tới xây dựng nông thôn mới trong năm 2012 sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở chuyển đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sΩn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động.