(Baonghean) - Những ngày này, đến khu KTX dành cho lưu học sinh của Trường Đại học Vinh, không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền BunPiMay (Lào) và SongKRan (Thái Lan) (diễn ra trong hai ngày 13 và 16/4 dương lịch) đã bắt đầu chộn rộn. Nhiều hoạt động VHVN-TDTT đã được Trường Đại học Vinh phối hợp với Hội hữu nghị Việt- Lào, Việt - Thái tổ chức trong không khí vui tươi, đầm ấm, thắm tình đoàn kết, hữu nghị...
Chiều 12/4, cùng với các thành viên CLB Hoa Chăm Pa, chúng tôi xuống khu Ký túc xá Trường Đại học Vinh, nơi đang có gần 300 lưu học sinh Lào và 21 lưu học sinh Thái Lan sinh sống và học tập để mục sở thị các sinh viên chuẩn bị cho đêm dạ hội. Từ xa, chúng tôi đã nghe không khí năm mới tràn khắp khu nhà 5 tầng với tiếng đàn ghi ta, tiếng hát, tiếng chúc mừng rộn rã. "Hôm nay là ngày năm mới, xin chúc mọi người may mắn. Ta cùng múa với nhau để chúc mừng năm mới....".
Làm Lễ cầu bình an cho năm mới.
Cùng với lời hát chào đón là những ca nước lạnh tạt nhiệt tình vào người khách ngay từ dưới chân cầu thang. Rồi bất ngờ hơn khi khách được các cô gái Lào duyên dáng, các chàng trai Lào nghịch ngợm trong trang phục truyền thống ào ra buộc các sợi chỉ xanh- đỏ vào cổ tay với lời chúc "Sa bái dee pi măng" (Chúc mừng năm mới). Bị nước xối ướt lướt thướt từ đầu đến chân nhưng thành viên trong đoàn chúc tết đều cảm thấy rất vui, bởi ai cũng hiểu, trong quan niệm của người Lào, năm mới càng được té nhiều nước, càng gặp nhiều may mắn. Còn sợi chỉ trên tay vừa thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và cũng là sự sẻ chia hạnh phúc và sức khỏe mà những người bạn lưu học sinh muốn gửi gắm.
Lễ buộc chỉ cổ tay không thể thiếu trong Tết Bunpimay .Ảnh: P.V
Đã quen với 4 cái tết xa nhà, nên sinh viên SyVonne Rue VaiBonthavy - ở tỉnh Xiêng Khoảng - trưởng đoàn lưu học sinh Lào đang theo học tại khoa Toán Trường Đại học Vinh không còn cảm giác buồn. Nhiệt tình cột chỉ đỏ vào tay chúng tôi, em chia sẻ: "Tuy không được hưởng không khí của gia đình, nhưng Tết Bunpimay, SongKRan của lưu học sinh Lào - Thái Lan trên đất Nghệ An vẫn rất vui tươi, đầm ấm với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ cầu may, té nước, buộc chỉ cổ tay, múa Lămvông. Hơn thế nữa, chúng em cũng rất vui, bởi ngày Tết có rất nhiều thầy cô giáo và bạn bè Việt Nam cùng đến dự...".
Đối với Syvone, Nghệ An như là quê hương thứ hai bởi em mang trong mình hai dòng máu Lào - Việt (mẹ Syvone vốn là người Khơ mú sinh ra và lớn lên ở xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn). Đang là sinh viên năm thứ 4 nhưng Sivone đã quyết định "sẽ học cao học tại Trường Đại học Vinh và tiếp tục chia sẻ không khí đón Tết cổ truyền BunPiMay với các bạn sinh viên Nghệ An...". Còn với các nữ lưu học sinh mới sang Việt Nam được mấy tháng, đang trong giai đoạn học tiếng Việt như Laxop sisonphanh, Ton Inthida ở tỉnh Udonxay, tuy còn bỡ ngỡ, chưa nói rõ tiếng Việt, nhưng "tình cảm và sự quan tâm của thầy cô giáo và sinh viên Việt Nam làm chúng em cảm thấy ấm lòng".
Tuy không có đủ hương liệu để chế biến, nấu ăn như ở quê nhà, nhưng hai bạn vẫn nhiệt tình cùng mọi người chuẩn bị các món ăn truyền thống của Lào như gà, tôm, chẻo, lạp... cùng bánh kẹo hoa quả để đón các thầy cô giáo là sinh viên tình nguyện dạy kèm tiếng Việt trong CLB Hoa Chăm Pa đến ăn Tết. Các sinh viên cũng đang tất bật cho màn trình diễn trang phục dân tộc cổ truyền của hai đất nước Lào - Thái - nét mới và điểm nhấn trong lễ hội đón năm mới năm nay. Để chuẩn bị cho phần trình diễn này, Hội Lưu học sinh Lào đã tích cực tập luyện từ mấy tuần nay, trang phục còn được đặt từ Lào gửi sang với những bộ trang phục rực rỡ, mang đậm bản sắc dân tộc của các vùng LaoLum, Lao Thâng và LaoSủng...
Để có cái Tết trọn vẹn cho những lưu học sinh Thái - Lào, từ năm 2004 đến nay, năm nào Trường Đại học Vinh cũng phối hợp với Hội Hữu nghị Việt - Lào, Việt - Thái tổ chức lễ hội đón năm mới. Nói về hoạt động này, Bí thư Đoàn trường Đại học Vinh - Nguyễn Hồng Soa cho hay: "Đại học Vinh là trường đại học có nhiều sinh viên Lào, Thái đến học tập nhiều nhất cả nước, vì thế chúng tôi luôn cố gắng tổ chức được thật nhiều hoạt động để các em cảm thấy gần gũi như ở nhà, nhất là những dịp quốc khánh, đón năm mới. Trong năm nay, ngoài tổ chức giao lưu thi đấu các môn thể thao truyền thống của nước bạn như bóng đá, bi sắt, cầu mây, trường sẽ tổ chức chương trình giao lưu"Thắm tình hữu nghị chào mừng tết cổ truyền Lào, Thái Lan" với khách mời là các việt kiều Lào, Thái Lan, các lưu học sinh đang học ở các trường khác trên địa bàn tỉnh như CĐ Sư phạm Nghệ An, Đại học Y khoa Vinh... Đặc biệt, năm nay, phần hội sôi động hơn bởi ngoài các tiết mục văn hóa văn nghệ do sinh viên Lào, Thái Lan và Việt Nam biểu diễn còn có màn hát múa ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào của CLB Người cao tuổi Thành phố Vinh, bài nhảy tango của các thành viên đến từ CLB Việt kiều hồi hương và tiết mục văn nghệ của các thành viên đến từ Chi hội Hữu nghị Việt - Lào xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu). Bác Bùi Công Chính - Chi hội trưởng xã Tiến Thủy hào hứng: "Chúng tôi tuy ở miền biển, xa đất nước Lào nhưng lại có một mối thâm tình đặc biệt với đất nước chùa Tháp, bởi nhân dân Tiến Thủy hơn 50 năm trước đã có vinh dự được cưu mang, đùm bọc cố Chủ tịch Cay-xỏn Phôn-vi-hản, được Cựu Chủ tịch Lào Nohoc Phôn xa vẳn xem đây là quê hương thứ 2. Hiện tại với khoảng 50 hội viên, ngày Tết Lào, chúng tôi tuy không tổ chức được long trọng nhưng vẫn cố gắng dàn dựng một tiết mục văn nghệ đặc sắc để thay cho những tình cảm gửi gắm tới nước bạn Lào
Các hoạt động gặp gỡ, giao lưu chúc tết, chia sẻ những sinh hoạt văn hoá trong tiếng nhạc tưng bừng, những điệu múa lăm vông, những sợi chỉ tay kèm theo lời cầu chúc may mắn, tốt lành trên đất Nghệ đã khiến cái tết xa nhà của sinh viên Lào, Thái không kém phần vui tươi, đầm ấm và thắm tình đoàn kết, hữu nghị... "Không chỉ là một cái Tết bình thường, Tết năm nay còn có một ý nghĩa đặc biệt bởi năm 2012 được xem là năm Đoàn kết Hữu nghị Việt - Lào và chương trình giao lưu "Thắm tình hữu nghị chào mừng tết cổ truyền Lào - Thái Lan" sẽ là chương trình mở màn cho chuỗi các hoạt động của hai nước sẽ được tổ chức trên đất Nghệ An trong năm nay", ông Trần Kim Đôn - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tại Nghệ An cho biết.
Với sự chuẩn bị chu đáo, thân tình, tin rằng Tết Bunpimay và SongKRan trên đất Nghệ không chỉ là dịp để giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị mà quan trọng hơn để những bạn sinh viên Lào và Thái Lan gắn bó hơn với môi trường mới ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để những người Nghệ từng sống, chiến đấu, học tập, làm việc trên đất nước Lào gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm xưa. Nhân dịp này, Hội Hữu nghị Việt - Lào cũng sẽ trao 11 suất học bổng cho Lưu học sinh Lào, Thái Lan học giỏi, rèn luyện tốt, trị giá mỗi suất 500 nghìn đồng...