(Baonghean) - Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, chủ yếu là các vùng đất cao cưỡng, thiếu nước sang trồng các loại cây màu khác, đã giúp nhiều hộ nông dân huyện Yên Thành thu hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi đến thăm cánh đồng màu Đồng Sông, thuộc xóm 4, 5 xã Xuân Thành (Yên Thành) thấy bạt ngàn một màu xanh của mướp đắng, bí xanh… Anh Thái Duy Nhàn đang tưới nước cho giàn bí xanh nghỉ tay cho biết: Trước đây cánh đồng này gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, nhưng do ở vùng cao cưỡng, không chủ động được nguồn nước nên năng suất lúa thấp chỉ đạt 1,2-1,5 tạ/sào/vụ. Hưởng ứng chủ trương của UBND xã Xuân Thành, về việc vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích lúa vùng Đồng Sông sang trồng cây màu, gia đình chúng tôi đã xin đăng ký được chuyển đổi. Trong năm 2013, chúng tôi tập trung thuê máy móc, cải tạo lại mặt bằng và tháng 2/2014 trồng vụ dưa hấu đầu tiên trên 5 sào đất. Trước khi trồng dưa hấu, chúng tôi được cán bộ khuyến nông huyện và xã hướng dẫn dẫn kỹ thuật canh tác trồng và chăm sóc. Gia đình đã trồng 5 sào dưa, nhờ chăm sóc đúng quy trình nên vụ dưa đầu đã thắng lợi, đạt năng suất 1 tấn dưa/sào. Bán với giá 5.000 đồng/kg, thu về 25 triệu đồng/5 sào/vụ, trừ chi phí còn lãi 18-20 triệu đồng/vụ. Sau vụ thu hoạch dưa hấu vụ xuân, gia đình tôi đã chuyển sang trồng bí xanh, đến thời điểm này bí đang cho thu hoạch. Dự tính đạt 1 tấn bí xanh/sào, bán với giá 5.500 đồng/kg đạt thu nhập 5,5 triệu đồng/sào/vụ.
Theo anh Nhàn muốn trồng bí xanh đạt năng suất phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Làm giàn bằng tre, nứa thì trồng luống rộng:1,5 – 2,0m, khoảng cách trồng cây 40 – 50 cm và hàng rộng 80cm. Cung cấp đầy đủ nước trong mùa khô, nhất là giai đoạn ra hoa. Thoát nước tốt trong mùa mưa không để rễ cây bị úng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh. Được biết sau vụ bí xanh gia đình anh Nhàn chuyển sang trồng ngô lai vụ đông. Anh Nhàn cho biết, chuyển đổi từ đất lúa sang đất màu mới được 2 vụ nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/sào/2 vụ, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Tại cánh đồng Đồng Sông còn nhiều hộ khác cũng có thu nhập cao nhờ từ chuyển đổi như: hộ các anh Phan Ngọc và Phan Thiện từ trồng lúa chuyển sang trồng bí xanh, mướp đắng cho thu nhập 10 triệu đồng/sào/2vụ. Chị Đỗ Thị Quý - cán bộ nông nghiệp xã Xuân Thành cho biết: Xã có trên 376 ha lúa. Từ năm 2013 đến nay, xã đã rà soát các diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng màu khoảng trên 5 ha tập trung ở các xóm 4,5,9 với gần 50 hộ dân tham gia và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Xã đang tiếp tục rà soát một số diện tích khác từ đất lúa kém hiệu quả để vận động bà con chuyển sang trồng màu. Tuy nhiên, để khuyến khích người dân, chúng tôi mong muốn cần được Nhà nước hỗ trợ một phần về giống, phân bón, thuốc BVTV cho các hộ mạnh dạn chuyển đổi…
Tại xã Phúc Thành, mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng màu cũng khá hiệu quả. Tại cánh đồng Quan ở xã Phúc Thành (Yên Thành), bà con đang tích cực thu hoạch đậu vụ hè để triển khai cho vụ ngô đông. Ông Nguyễn Quốc Cầu ở xóm Yên Trung, xã Phúc Thành cho biết: Vùng đất này, trước đây trồng lúa nhưng thiếu nước. Từ năm 2011, chúng tôi chuyển đổi sang trồng màu 2 vụ ngô và 1 vụ đậu rất hiệu quả. Ví như một sào đậu vụ hè thu năm 2014 chỉ trồng hơn 75 ngày đã cho thu hoạch đạt 80 kg/sào/vụ bán với giá 30.000 đồng/kg đạt 2,4 triệu đồng. Chưa kể là 2 vụ ngô xuân và ngô đông mỗi vụ thu hoạch đạt 4 tạ/ngô/sào/vụ. Bán với giá 7.000 đồng/kg, thu về 2,8 triệu đồng/vụ.
Tính ra tổng thu nhập 8 triệu đồng/sào/3 vụ. Trong khi đó, trồng lúa đạt năng suất bình quân 3 tạ/2 vụ, chỉ thu được 1,5 triệu đồng/2 vụ… Xóm Yên Trung đã chuyển đổi từ đất lúa sang trồng màu 4 ha, chủ yếu đất cao cưỡng, có trên 135 hộ tham gia, cơ bản đều mang lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích, người dân cải thiện được cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thành chia sẻ: Từ năm 2010 đến nay, xã đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu được trên 8 ha, có khoảng trên 200 hộ dân tham gia. Năm 2014 đối với các mô hình chuyển đổi đều được Viện Khoa khoa học Bắc Trung bộ hỗ trợ giống cây, thuốc BVTV và tập huấn kỹ thuật nên cây màu phát triển hiệu quả, cho năng suất cao. Đặc biệt đầu ra ổn định nên người dân rất hào hứng đầu tư thâm canh tăng năng suất.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Từ năm 2010 đến nay, huyện đã vận động các địa phương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu được trên 100 ha, trên cơ sở chuyển đổi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, nguồn lao động. Diện tích chuyển đổi chủ yếu tập trung ở các xã bán sơn địa như Phúc Thành, Lăng Thành, Lý Thành, Hậu Thành, Mã Thành, Xuân Thành, Nam Thành… Các loại cây màu chủ yếu tập trung vào dưa hấu, bí xanh, đậu xanh, dưa chuột, ngô, lạc, vừng… Về cơ chế, chính sách, chủ yếu các xã dựa vào nguồn vốn phát triển nông thôn mới để hỗ trợ bà con một phần về giống cây, phân bón.
Huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp bám sát cơ sở tập huấn, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Viện Khoa học Bắc Trung bộ… tập huấn, nâng cao trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cây trồng cho nhân dân. Đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, như (mô hình ớt cay 5 ha ở Nam Thành đã liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ.), nhờ vậy đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao từ những mô hình chuyển đổi. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, rà soát chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả khoảng trên 50 ha sang trồng cây màu. Từ đó, dần hình thành những vùng chuyên canh dựa vào lợi thế của từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cũng như hỗ trợ vốn cho người dân để công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đi vào thế ổn định, bền vững.
Văn Trường