Hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch ở Anh Sơn
(Baonghean.vn) - Để nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Anh Sơn chú trọng đầu tư nhiều mô hình sản xuất theo công nghệ VietGAP nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, mang thương hiệu và đặc trưng riêng.
29/08/2018 - 09:08
Anh Sơn là huyện miền núi, tiềm năng đất đai đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng cây trồng. Thực tế đó đặt ra nhu cầu tất yếu cho sự ra đời của các mô hình nông nghiệp theo công nghệ VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường hàng hóa ngày càng khó tính. Nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp ngành, sự mạnh dạn, năng động trong cách nghĩ, cách làm của người dân, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch như mô hình trồng cam sạch Bãi Phủ ở Đỉnh Sơn, mô hình trồng chè công nghệ VietGAP ở Hùng Sơn, mô hình trồng rau sạch nhà lưới ở Hội Sơn. Ảnh: Sỹ Minh Để hỗ trợ bà con, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Anh Sơn tham mưu, tổ chức, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, canh tác, tìm kiếm thị trường. Huyện tạo mọi điều kiện về chủ trương và đất đai, lồng ghép các chương trình hỗ trợ thông qua Thông tư 183/BNN về hỗ trợ mô hình công nghệ cao và chương trình nông thôn mới của tỉnh. Riêng đối với mô hình cam sạch bệnh tại Bãi Phủ (Đỉnh Sơn) được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ trên 1 tỷ đồng đầu tư với hệ thống giếng khoan, điện, bờ tường bao kiên cố. Ảnh: Thanh Thủy Được Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư dự án “Hỗ trợ mô hình sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGAP tại huyện Anh Sơn”, từ 10 ha chè trồng thử nghiệm theo hướng chè sạch ở Khe Giát, Cồn Tít, sau 12 năm, xã Hùng Sơn đã có trên 300 ha chè sản xuất theo hướng VietGAP với thị trường tiêu thụ rộng lớn. Ảnh: Lương Mai Một gia đình nếu có 5 sào chè 1 lứa thu hoạch đã có 2 tấn búp. Mỗi năm thu hoạch ít nhất 6 lứa, được 12 tấn, giá chè 3.600 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 43 triệu đồng, là nguồn thu nhập rất ổn định. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến chè chất lượng cao tại hộ anh Nguyễn Cảnh Tuấn - xóm 4, xã Hùng Sơn. Ảnh: Lương Mai Cùng với sản xuất, chế biến chè theo công nghệ VietGAP, các mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ hiện đại của Isarel của ông Trương Vũ Hoàng - Thôn 2, xã Hội Sơn rất hiệu quả. Đây là năm thứ 2 mô hình chính thức đi vào sản xuất nhập bán sản phẩm ra thị trường. Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, anh Hoàng xây dựng được thương hiệu bản quyền sản phẩm mang tên “Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Kim Nhan”, đã ký kết được một số hợp đồng cung ứng sản phẩm như Công ty Rau sạch Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng, đặc biệt các hệ thống siêu thị BigC trên toàn quốc như Hà Nội, Sài Gòn, Vinh. Ảnh: Lương Mai Dưa có trọng lượng mỗi quả 1,4 - 1,8kg. Sau hơn 2 tháng trồng, chăm sóc, hơn 2.000 gốc dưa cho thu hoạch đạt 1,8 tấn. Do được trồng theo công nghệ sạch nên hiện nay đầu ra sản phẩm rất thuận lợi, thu nhập lãi đạt hàng trăm triệu đồng/vụ. Ảnh: Lương Mai Để nâng cao hiệu quả các mô hình, góp phần tạo sức lan tỏa về sản phẩm nông nghiệp sạch trong đời sống xã hội nói chung, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, mục tiêu đến năm 2018 và những năm tiếp theo huyện đang triển khai hoàn thiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như 3.000 ha rau sạch với quy mô đầu tư 1,3 tỷ đồng ban đầu cho chuyển giao công nghệ tại Phúc Sơn, mô hình sản xuất công nghệ cao theo công nghệ Isarel của Công ty CP Mía đường Sông Lam ở Đỉnh Sơn. Đặc biệt, BTV Huyện ủy Anh Sơn đã ban hành chủ trương cho phép mở rộng quy mô trồng rau rạch nhà lưới theo công nghệ Isarel tại Hội Sơn từ 2.000m2 lên 7 ha vào những năm tiếp theo. Ảnh: Lương Mai