(Baonghean) - Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện Anh Sơn chú trọng khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư các mô hình sản xuất theo công nghệ VietGAP.
Thực hành sản xuất sạch
Đến thời điểm này, mô hình trồng dưa lưới của ông Trương Vũ Hoàng - Thôn 2, xã Hội Sơn (Anh Sơn) vừa hoàn thành vụ thu hoạch chuẩn bị vào vụ mới. Mô hình được đầu tư trên 1,4 tỷ đồng với hệ thống nhà lưới, thiết bị tưới nhỏ giọt theo công nghệ hiện đại của Isarel. Hệ thống bể đẩy nước tự động lấy nước từ giếng khoan ngầm lên hệ thống nhỏ giọt đồng bộ. Đây là năm thứ 2 mô hình chính thức xuất sản phẩm ra thị trường.
Ông Trương Vũ Hoàng cho biết: Chúng tôi đang trồng giống dưa lưới Ab Sweet Gold được lai tạo từ giống dưa độc quyền Khang Nguyên Agrobiology. Từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 60 - 65 ngày. Quả chín với vân lưới đẹp mắt, vị ngọt đậm đà, ruột màu vàng cam, mỗi quả từ 1,4 - 1,8kg. Do được trồng theo công nghệ sạch nên đầu ra sản phẩm rất thuận lợi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND xã Hội Sơn, cho biết, mô hình sản xuất trên được xây dựng thương hiệu bản quyền, ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp trên toàn quốc như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vinh.
Còn mô hình “Hỗ trợ mô hình sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGap tại huyện Anh Sơn”, được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ từ 10 ha chè trồng thử nghiệm theo quy trình sạch ở Khe Giát, Cồn Tít, nay đã có trên 300 ha chè sản xuất theo hướng VietGAP ở xã Hùng Sơn với thị trường tiêu thụ rộng lớn. Mô hình góp phần cải thiện thực trạng giá cả bấp bênh, tiêu thụ kém, hạn hán làm ảnh hưởng đến năng suất và sự phát triển bền vững của cây chè.
Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho cây chè công nghiệp trên điạ bàn. Để sản xuất chè theo hướng VietGAP, cây giống phải đảm bảo sạch bệnh, tổ chức chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật đề ra.
Theo ông Võ Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn, một gia đình nếu có 5 sào chè, 1 lứa thu hoạch đã có 2 tấn búp. Mỗi năm thu hoạch ít nhất 6 lứa, được 12 tấn, với giá chè 3.600 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 43 triệu đồng/năm. Sản phẩm chè nơi đây đã được tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc và được xuất khẩu sang một số nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan.
Hiện tại, xí nghiệp chế biến chè trên địa bàn xã Hùng Sơn đang phối hợp với người dân hướng đến mở rộng diện tích chè sản xuất theo hướng VietGAP ra 2 xã Đức Sơn và Cẩm Sơn, đưa diện tích chè sạch đạt trên 600 ha.
Nhân rộng mô hình, nâng cao giá trị sản xuất
Huyện Anh Sơn có tiềm năng đất đai đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng cây trồng. Những năm gần đây, để tạo sức bật trong phát triển kinh tế, huyện đã quy hoạch, hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng tập trung, chủ lực như mía, chè, ngô, lúa, sắn.
Tuy nhiên, giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường chưa cao. Thực tế đó đặt ra nhu cầu tất yếu cho sự ra đời của các mô hình nông nghiệp theo công nghệ VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường hàng hóa ngày càng khó tính. Nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp ngành, sự mạnh dạn, năng động trong cách nghĩ, cách làm của người dân, đến nay toàn huyện đã xây dựng được các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP như mô hình trồng cam sạch Bãi Phủ ở xã Đỉnh Sơn; mô hình trồng chè ở xã Hùng Sơn, mô hình trồng dưa nhà lưới ở xã Hội Sơn.
Riêng đối với mô hình cam sạch bệnh tại Bãi Phủ (Đỉnh Sơn) được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ trên 1 tỷ đồng đầu tư với hệ thống giếng khoan, điện, bờ tường bao kiên cố. Hay cơ chế hỗ trợ 200 triệu đồng/ giếng khoan tưới cho mô hình chè VietGAP ở Hùng Sơn.
Để nhân rộng và nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, những năm tới, huyện Anh Sơn chủ trương triển khai hoàn thiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: 300 ha rau sạch tại xã Phúc Sơn; mô hình sản xuất công nghệ cao theo công nghệ Israel của Công ty CP mía đường Sông Lam ở Đỉnh Sơn.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn đã ban hành chủ trương cho phép mở rộng quy mô trồng rau rạch nhà lưới theo công nghệ Israel tại Hội Sơn từ 2.000m2 lên 7 ha vào những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ cao cần nguồn vốn ban đầu lớn; cùng đó, tính bền vững lâu dài của các mô hình chưa có cơ sở thực tiễn đảm bảo chắc chắn. Và một “rào cản lớn” là việc thiếu những hợp đồng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch./.
Lương Mai