(Baonghean) - Dù chỉ mới thí điểm nhưng hoạt động Thừa phát lại (TPL) đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần bổ trợ cho hoạt động tư pháp và đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội về một loại hình dịch vụ pháp lý mới. Qua đó, khẳng định vai trò, vị trí của hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá qua 1 năm hoạt động tại Văn phòng Thừa phát lại ở Thành phố Vinh, có thể thấy những hiệu ứng tốt trong xã hội và đặc biệt đối với hoạt động hỗ trợ tư pháp. Đến nay, mặc dù số lượng việc thi hành án của các văn phòng Thừa phát lại thụ lý còn thấp nhưng bước đầu đã được sự thừa nhận và tin tưởng của xã hội. Tính đến tháng 5/2015, Văn phòng Thừa phát lại TP.Vinh đã tống đạt được 7.497 văn bản, xác minh điều kiện thi hành án 15 vụ việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 10 vụ việc và lập được 39 vi bằng. Trong đó, nổi bật là việc thi hành án vụ việc Công ty TNHH TM Duy Linh vay số tiền 1,245 tỷ đồng tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Bắc Hà Tĩnh nhưng không có khả năng thanh toán. Sau khi có bản án của tòa, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Vinh đã nhiều lần tổ chức thi hành án nhưng đương sự không hợp tác và chống đối quyết liệt, thậm chí còn đe dọa những người làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi Văn phòng Thừa phát lại TP.Vinh ký hợp đồng nhận thụ lý vụ việc thì mọi chuyện đã được giải quyết. Văn phòng phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự TP.Vinh, Công an phường Bến Thủy, chính quyền phường Bến Thủy… gặp đại diện công ty đối thoại, làm công tác tư tưởng và cuối cùng, phía Công ty Duy Linh đã chấp nhận trả tiền cho ngân hàng.
Không chỉ tạo hiệu ứng trong xã hội, hoạt động Thừa phát lại hỗ trợ rất lớn cho hoạt động tư pháp, giảm tình trạng quá tải trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trước đây, khi chưa có dịch vụ Thừa phát lại, việc tống đạt các văn bản của tòa án đến với người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Kha, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại TP.Vinh cho biết: Trước đây, hầu hết các văn bản tống đạt đều được tòa án gửi qua đường bưu điện, vì thế nhiều người dân không nhận được hoặc thời gian nhận quá lâu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của tòa án. Nhưng từ khi có hoạt động Thừa phát lại người dân được tiếp nhận các văn bản tống đạt nhanh hơn, đảm bảo hơn. Một loạt hệ thống các Văn phòng Thừa phát lại ở TP.Vinh được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phương tiện đầy đủ. Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ tống đạt nên hoạt động của Tòa án nhân dân thuận lợi, hạn chế được việc hoãn xét xử do vắng mặt các thành phần liên quan.
Trong các quyền của Thừa phát lại theo Nghị định số 61 của Chính phủ thì lập vi bằng là một công việc tương đối mới và đặc biệt rất được người dân trông đợi. Lập vi bằng của Thừa phát lại là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử mà trước khi có Thừa phát lại thì không có cơ quan nào có chức năng giúp cho người dân thực hiện những việc này. Vì vậy, với sự ra đời của Văn phòng Thừa phát lại người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực cho việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức thi hành án. Chức năng xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại được đánh giá như là trợ giúp pháp lý đắc lực cho người được thi hành. Ông Trần Văn Tuấn, phường Trường Thi (TP.Vinh), một trong những người lập vi bằng tại văn phòng Thừa phát lại TP.Vinh cho biết: Tôi mới mua nhà và muốn các hồ sơ được đảm bảo nên đã đến văn phòng Thừa phát lại để lập vi bằng mới mong muốn có chứng cứ pháp lý để tránh trường hợp sau này rắc rối khi xảy ra kiện tụng. Với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, việc lập vi bằng đã tạo niềm tin đối với người dân.
Hiệu quả đã được khẳng định nhưng do đây là một hình thức mới, thời gian hoạt động chưa lâu, các văn bản quy định còn chưa hoàn thiện nên trong quá trình hoạt động còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo Sở Tư pháp khẳng định, công tác tuyên truyền, phổ biến về Thừa phát lại mặc dù đã được tăng cường nhưng nhìn chung vẫn còn chưa đạt yêu cầu. Hiện nay, đa số người dân chưa được biết đến khái niệm Thừa phát lại, hiểu rõ những nội dung công việc của Thừa phát lại nên chưa tìm đến với loại hình dịch vụ này. Nhiều người còn cho rằng, Thừa phát lại là một doanh nghiệp, không phải là cơ quan Nhà nước nên không có chức năng, cơ sở pháp lý. Vì vậy, họ e ngại và chưa mặn mà với hoạt động này.
Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua đã khẳng định Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chế định Thừa phát lại đã được địa phương thực hiện nghiêm túc và bài bản. Chủ trương của Đảng về thí điểm Thừa phát lại đã được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Qua đó cho thấy việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, cũng như xu thế hội nhập quốc tế. Có thể nói đây là một nội dung, giải pháp về cải cách tư pháp đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được triển khai thực hiện thành công bước đầu.
Thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức về ngành nghề này và sớm xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động cũng như giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
Bài, ảnh: Nguyên Hưng
Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định. Thừa phát lại tương tự như chức mõ tòa (Người giữ việc báo tin và thi hành các quyết định của tòa án trong xã hội cũ, có khi trông nom cả việc bán các động sản của Nhà nước) và chấp hành viên. Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Tên gọi văn phòng Thừa phát lại bao gồm cụm từ "Văn phòng Thừa phát lại" và phần tên riêng liền sau. Người đứng đầu Văn phòng Thừa phát lại là Thừa phát lại và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng Thừa phát lại. Hoạt động của thừa phát lại là một hoạt động trong thi hành án dân sự được thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2009 và được nhân rộng ra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ cuối năm 2013. Thừa phát lại có chức năng thực hiện một số công việc như: - Thông báo, giao nhận các văn bản theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự. - Lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử hay các quan hệ pháp lý khác theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. - Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự. - Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. P.V |