Việc biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn thế giới làm thiên nhiên và thời tiết ngày càng xuất hiện thêm nhiều những hiện tượng bí ẩn, kỳ lạ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống con người.
Cùng với sự diễn biến của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn thế giới, các hiện tượng bí ẩn của thiên nhiên, thời tiết, xuất hiện ngày càng nhiều, trong số đó có cả những hiện tượng thời tiết được coi là cực đoan.
Mưa đá khổng lồ
Những cục mưa đá khổng lồ, đôi khi gọi là bom băng, thường rơi từ bầu trời trong các trận giông bão dữ dội. Chúng bị phá vỡ thành nhiều phần nhỏ lúc chạm xuống mặt đất. Cục mưa đá lớn nhất từng rơi ở Mỹ, có đường kính 20,3 cm và nặng 0,87 kg.
Bầu trời bỗng... chia làm đôi
Bầu trời tại một số thành phố ở Đài Loan đột nhiên xuất hiện một hiện tượng bí ẩn, bầu trời bỗng... chia làm đôi. Tại các khu vực này, một dải sáng lớn xuất hiện trên nền trời, phân tách bầu trời làm hai nửa rõ rệt, một bên nền trời phủ đầy mây trắng còn phía bên kia giữ màu trong xanh. Sau đó, bầu trời dường như tối hơn bình thường. Tuy nhiên hiện tượng này chỉ xuất hiện trong 1 khoảng thời gian ngắn.
Lý giải sự việc này, các chuyên gia khí tượng thủy văn của Đài Loan cho hay, thực chất đây là hiện tượng “ngày hóa đêm”. Lượng mây dày đặc kèm theo thời tiết u ám đã che khuất phần ánh nắng mặt trời nên đã tạo ra hiện tượng nói trên.
Nhiệt độ “nhảy nhót”
Trên một con đường tại thị trấn Spearfish, nhiệt độ “nhảy nhót” ám chỉ tình trạng thời tiết thay đổi đột ngột trong thời gian rất ngắn, thường là đến hàng chục độ C trong vòng vài phút. Lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng kiến hiện tượng này.
Điển hình là vào ngày 22/01/1943, người dân sống tại thị trấn Spearfish, miền nam Dakota đã “được” trải nghiệm cảm giác thay đổi 27 độ C trong vòng 2 phút (từ -20 độ C tới 7 độ C).
Tới năm 1966, cư dân tại Pincher Creek, Alberta cũng trải qua tình trạng tương tự khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 21 độ C trong vòng 4 phút. Cả hai địa danh này đều năm ở Bắc Mỹ và chịu ảnh hưởng nặng của gió phơn.
Thời tiết siêu nóng hoặc siêu lạnh
Do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng siêu nắng nóng diễn ra với tần suất ngày một nhiều và dai dẳng. Tại thị trấn Marble Bar, Australia, người dân đã phải làm bạn với Mặt trời trong vòng 160 ngày liên tiếp (từ ngày 31/10/1923 tới 07/04/1924). Nhiệt độ trung bình vào thời điểm đó là 37,8 độ C. Vào năm 2003, một đợt nắng nóng kỷ lục cũng đã quét qua châu Âu (đặc biệt là Pháp), làm 70.000 người tử vong vì sốc và đột quỵ nhiệt.
Bên cạnh những đợt nắng nóng khủng khiếp, không thể không kể tới những mùa đông siêu lạnh. Liên tiếp trong hai năm 2013 và 2014, do ảnh hưởng của lốc xoáy vùng cực mà nước Mỹ phải hứng chịu một trận rét đậm rét hại chưa từng có. Ước tính, nhiệt độ thấp nhất vào thời điểm đó là – 50 độ C.
Tuyết rơi giữa sa mạc
Tuyết rơi giữa sa mạc cũng là một hiện tượng thời tiết cực lạ lẫm từng xảy ra trên Trái đất. Trung bình cứ 7 năm tuyết lại rơi trên đỉnh Tibesti thuộc sa mạc Sahara một lần. Vào tháng 2/1979, các khu vực có địa hình thấp ở Sahara đã phải hứng chịu những trận mưa tuyết thất thường.
Từ đó cho tới nay, hiện tượng tương tự đã lặp lại khá nhiều. Điển hình là việc tuyết rơi đột ngột giữa mùa hè tại sa mạc Atacama, Chile năm 2011 hay tuyết rơi lần đầu tiên ở Ai Cập sau khoảng một thế kỷ vào năm 2013.
Mây cuốn
Những cuộn mây này thường xuất hiện cùng những cơn bão. Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ không khí đảo ngược làm cho không khí ấm ở phía trên không khí mát, sau đó, hướng và tốc độ gió thay đổi và gây ra một hiệu ứng mây cuốn đẹp mắt. Cần có độ ẩm thích hợp cho những đám mây này xuất hiện. Những cơn gió bão thực sự đẩy các đám mây thành hình ống di chuyển trước khi cơn bão xuất hiện.
Theo VietQ.vn