(Baonghean) - Trong xưởng vẽ ngổn ngang những hộp màu, sơn dầu, người họa sỹ ngồi trên chiếc ghế có bánh lăn đang miệt mài với bức vẽ... Chàng trai với đôi chân hoàn toàn phụ thuộc vào nạng gỗ ấy là Chu Vinh Đức, đang đi hết đam mê cùng cây cọ với thông điệp về cuộc sống: đừng để nỗi buồn lấy đi thời gian của bạn!

Chu Vinh Đức sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em tại phường Lê Lợi - Thành phố Vinh; lên 4 tuổi, sau một cơn sốt đôi chân của Đức bỗng đã không thể cử động, di chuyển bình thường được nữa. Bố mẹ anh vì thương con mà đưa Đức đi hết trong Nam ngoài Bắc để chữa trị, tuổi thơ Đức gắn liền với những ca mổ, những bài vật lý trị liệu và phục hồi chức năng ở các trung tâm chỉnh hình... Nhưng rồi đam mê hội họa vẫn cứ lớn dần lên trong Đức; cọ vẽ đã là người bạn thân thiết, toan vẽ là nơi Đức có thể trút hết muộn phiền, mặc cảm và tự ti. 
 
Năm 1995 trong một lần đi phẫu thuật đặt nẹp sắt vào chân ở TP. Hồ Chí Minh, Đức tình cờ gặp một họa sỹ nổi tiếng và ngay lập tức anh bị mê hoặc bởi những gam màu biết nói, những hình khối biết chuyển động trong những bức tranh của người họa sỹ ấy. Sau mỗi buổi phục hồi chức năng anh lại lân la đến vị họa sỹ già để ngắm những bức vẽ của ông rồi quyết định xin ông làm học trò. Ông họa sỹ dù rất cảm kích sự quyết tâm, niềm đam mê của anh nhưng vẫn từ chối: “chưa dạy cho bất kỳ ai và sẽ không tuyển ai làm học trò”. Sau lời từ chối đó, Đức chỉ dám xin được đến xưởng vẽ của ông và xem ông vẽ. Sự hiếu học, niềm đam mê và cả bản lĩnh của một cậu bé tật nguyền suốt nhiều tháng bám trụ nơi xưởng vẽ đã khiến ông xúc động và phá tiền lệ, ông nhận Đức làm học trò. Suốt 2 năm làm học trò của người họa sỹ già, Đức đã có nền kiến thức cơ bản về hội họa để có thể biến đam mê thành một nghề mưu sinh và góp phần hữu ích cho cuộc sống...
 
images1382771_a6.jpgChu Vinh Đức bên giá vẽ.
Phòng tranh của Đức giờ ở đường Nguyễn Trường Tộ, nhưng từ năm 2007 Đức đã có được phòng tranh lớn trên đường Đặng Thái Thân (TP. Vinh), ngoài vẽ tranh, niềm vui của Đức là học tiếng Anh và giao tiếp với người ngoại quốc. Bởi từ những năm còn chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh anh đã hoàn thiện được vốn tiếng Anh kha khá, “vì hồi đó khách chép tranh của tôi có rất nhiều “tây”, nên tôi phải học để giao tiếp”. Sau này về Vinh lập nghiệp, anh tự trau dồi thêm để đem kiến thức ít ỏi ấy dạy miễn phí cho những học sinh nghèo. Rồi cũng từ việc ưa hoạt động từ thiện, có tấm lòng  hào hiệp với cộng đồng nên Đức được bầu chọn là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Vinh. Năm 2012, Đức vinh dự được tham dự Đại hội Hội Người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức ở Nhật Bản.
 
Sẵn có năng khiếu lại là người trung thực, ngay thẳng nên đi đâu Đức cũng có nhiều bạn tốt. Trong những người bạn của anh có một người đứng ra mối lái cho Đức với người em gái của mình. Anh kể: “Cũng từ duyên hội họa mà tôi được gặp cô ấy, rồi cũng từ hội họa mà em yêu tôi, chọn tôi làm người bạn đời dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn”. Huyền vợ anh là một cô gái xinh xắn, đa tài, nguyện đi hết quãng đời với Đức chỉ vì: “Tính anh ấy thích lắm, em quen rồi yêu anh từ lúc nào cũng không biết nữa, giờ có chọn lại em cũng chọn anh Đức”.
 
Trong phút chốc tôi đọc được ở ánh mắt khát vọng của chàng họa sỹ tài hoa Chu Vinh Đức một niềm hạnh phúc vô bờ; như lời bài hát “Khát vọng” mà anh giành Huy chương Bạc trong Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc: “Hãy sống như biển trào để thấy bờ bến rộng, hãy sống và ước vọng để thấy đời thêm xanh...”. 
 
Thanh Nga