20201212165200_bna_573301774062_12122020.jpegBước sang ngày làm việc thứ 3, sáng nay (13/12) tại phiên thảo luận, HĐND tỉnh đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền, Hoàng Viết Đường điều hành phiên làm việc. Tham dự kỳ họp có đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Nguyên Nguyên

THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

Thảo luận về dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đại biểu Lục Thị Liên nêu vấn đề, tại phiên thảo luận tại hội trường sáng ngày 12/12, đại biểu đã đề xuất UBND tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong công tác bảo vệ rừng và đã được chủ tọa kỳ họp tiếp thu để nghiên cứu.

Vậy tỉnh có xem xét ban hành chính sách này để bổ sung vào nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 hay không?

Đại biểu Lục Thị Liên thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Liên quan đến vấn đề đại biểu nêu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ thông tin, hiện nay có 8 chính sách của Trung ương và tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ rừng; trong đó có thể có những chính sách thực hiện chưa hiệu quả.

Và hiện nay chính sách bảo vệ rừng với 400.000 đồng/ha/năm đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu điều chỉnh nâng lên khoảng trên 1 triệu đồng/ha/năm cho giai đoạn 2021 - 2025.

Vì vậy đề xuất HĐND tỉnh chờ chính sách mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện, nếu cần thì sau đó sẽ nghiên cứu để ban hành chính sách riêng của tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ giải trình ý kiến cử tri nêu. Ảnh: Thành Cường

Vấn đề này cũng được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức bày tỏ đồng tình với ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây cũng là ý kiến được chủ tọa kỳ họp Nguyễn Xuân Sơn chốt lại với sự đồng tình cao.

Một số ý kiến tại kỳ họp cũng đã thảo luận góp ý vào thể thức ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Đại biểu Thái Thị An Chung thảo luận về thể thức ban hành nghị quyết. Ảnh: Thành Cường
Sau thảo luận, tiếp thu của chủ tọa kỳ họp, kỳ họp đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu sau:
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Thành Cường

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 7,5 - 8,5%; thu ngân sách 14.032,3 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 1.200 triệu USD; tổng nguồn đầu tư xã hội 88.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 48 - 49 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa 33%.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 73,35%; tạo việc làm mới cho 37.000 - 38.000. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 20 xã. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5 - 0,7%.

11 NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, nghị quyết cũng xác định rõ 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; tổ chức thành công bầu cử đại biểu HĐND các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XV; đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sau khi được thông qua.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2021, Nghệ An phấn đấu có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

- Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

- Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng kết nối; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các quy hoạch; tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển đô thị.

- Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và khu kinh tế.

- Đổi mới giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Mai Hoa

- Phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội.

- Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, sắp xếp và tinh gọn bộ máy; xây dựng Chính quyền điện tử; phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế

- Đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.