Tồn tại trong xây dựng trường chuẩn
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 12/12, vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn liên quan đến chất lượng xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Đại biểu Cao Thị Thúy (huyện Diễn Châu) chất vấn đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thực trạng chất lượng xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh hiện nay; thực tế có những trường được công nhận nhưng vẫn còn “nợ” một số tiêu chí và giải pháp khắc phục những bất cập trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời vấn đề đại biểu HĐND nêu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạoThái Văn Thành khẳng định, xây dựng trường chuẩn quốc gia có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng như nâng cao chất lượng giáo dục; giúp cho việc quản trị của Hiệu trưởng các nhà trường đi vào nề nếp, ổn định, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài; giúp cho việc dạy và học trong nhà trường đổi mới, phát huy tốt năng lực của học sinh, nâng cao hiệu quả dạy và học; tạo dựng môi trường giáo dục trong nhà trường đảm bảo an toàn, thân thiện, lành mạnh; đồng thời góp phần làm phong phú, đa dạng các thiết chế văn hóa trong cộng đồng.
Xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch hệ thống trường, lớp trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia với các giải pháp cụ thể.
Bên cạnh kết quả tích cực, Giám đốc Thái Văn Thành cũng thừa nhận, công tác công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, trong trường chuẩn quốc gia có hai nội dung công việc là kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia và công nhận trường chuẩn quốc gia; khi kiểm điểm chất lượng xong mới công nhận trường chuẩn quốc gia.
Thời điểm trước năm 2018, hai nội dung này được thực hiện độc lập, cho nên khi kiểm định, các địa phương có thể nợ tiêu chí quy hoạch về diện tích hay nhà học đa năng hoặc phòng học bộ môn, thư viện để hoàn thiện trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm.
Tuy nhiên khi có được công nhận về kiểm định, sau đó được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, một số địa phương không tập trung hoàn thành trả “nợ” các tiêu chí còn thiếu, dẫn đến một số bất cập như đại biểu HĐND tỉnh phản ánh.
Từ những bất cập nêu trên, năm 2019, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành 3 thông tư mới liên quan đến công tác xây dựng trường chuẩn ở từng cấp học đã tích hợp cả 2 nội dung kiểm định chất lượng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là một, nên việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia bài bản hơn, không còn tình trạng “nợ” tiêu chí trong xây dựng trường chuẩn.
3 khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng nêu 3 khó khăn trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Thứ nhất là nhận thức về ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng của việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0 chưa thật sự đồng đều trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các lượng lực ngoài xã hội.
Thứ hai là nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn hạn chế, ví như để xây dựng trường chuẩn quốc gia một cách bài bản thì phải có phòng học đa năng với tầm 2 - 3 tỷ, trong khi ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa khó khăn.
Thứ 3 do số lượng học sinh trong những năm gần đây tăng cao, có những năm tăng đột biến lên 17.000 học sinh ở các cấp; cho nên công tác dự báo học sinh rất khó. Điều này ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường chuẩn, bởi số trường không được xây dựng mới, dẫn đến phải tăng số lớp/trường và số học sinh/lớp mà theo quy định trường chuẩn quốc gia bậc tiểu học không quá 30 lớp, nếu quá thì không được công nhận trường chuẩn. Chiếu theo quy định này có nhiều trường trên địa bàn thành phố Vinh khó đạt chuẩn quốc gia.
5 giải pháp cụ thể
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện tốt chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhằm xây dựng môi trường giáo dục tốt, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xứng đáng vùng đất học Nghệ An.
Thứ hai, gắn kết xây dựng trường chuẩn quốc gia với xây dựng nông thôn mới và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa trong cộng đồng nhằm lồng ghép các nguồn lực.
Thứ ba, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các nhà trường.
Thứ tư, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, nghĩa là xây dựng bộ phận làm công tác tư vấn, đôn đốc, thúc đẩy các thành viên trong nhà trường thực hiện đầy đủ, chất lượng các tiêu chí trường chuẩn cũng tự đánh giá, kiểm định đảm bảo các tiêu chí được thực hiện chất lượng và bền vững.
Thứ 5 là xây dựng các hệ điều kiện để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, như quy trình đánh giá chặt chẽ, gắn công tác thi đua - khen thưởng; môi trường làm việc văn hóa thân thiện trong nhà trường và huy động các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để xây dựng trường chuẩn.