bna__mai_hoa_21427354_20112019.jpgĐồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc thẩm tra. Cùng tham gia có các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Sáng 20/11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra một số dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội để trình kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh được tổ chức vào trung tuần tháng 12/2019.

Dự thảo nghị quyết cần đảm bảo đúng quy định
Thẩm tra về dự thảo nghị quyết về việc đặt tên đường trên địa bàn thị xã Hoàng Mai do Sở Văn hóa - Thể thao trình, các thành viên tham dự cuộc họp đặt ra nhiều băn khoăn đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đường vào khu công nghiệp Hoàng Mai. Ảnh: Đào Tuấn

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường, tại Điều 4, Nghị định số 91/2005/NĐ-CP về ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng, nêu rõ: Tất cả các đường, phố và công trình công cộng trong thành phố, thị xã được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định thì được xem xét để đặt tên.

Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết có một số tuyến đường đang đầu tư dang dở, chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng ổn định nhưng vẫn được trình để đặt tên đường là không đảm bảo quy định. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đúng quy định.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo nghị quyết cần đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đặt ra một số băn khoăn, như việc lựa chọn một số danh nhân để đặt tên đường chưa thể hiện rõ vai trò, tầm vóc cũng như đóng góp của danh nhân hay liên quan đến truyền thống, tầng sâu văn hóa của thị xã Hoàng Mai.

Một số tuyến đường lựa chọn để đặt tên quá ngắn, chỉ có 350m; một số tuyến đường chưa xác định rõ điểm cuối…  

Dự thảo Nghị quyết về việc đặt tên đường trên địa bàn thị xã Hoàng Mai gồm 59 đường; trong đó đường mang tên danh nhân có 49 tuyến và 10 tuyến mang tên địa danh, sự kiện lịch sử.

Kết luận nội dung này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường khẳng định, việc đặt tên đường, tên phố là cần thiết, tuy nhiên việc lựa chọn tên đường, tên phố cần gắn với truyền thống lịch sử - văn hóa, đối với tên danh nhân phải đảm bảo sự đóng góp, tầm vóc của họ và trở thành niềm tự hào của nhân dân trên địa bàn.
Mặt khác, đối với các tuyến đường chưa hoàn thành thì cần lùi lại để đảm bảo sạch - đẹp, tránh tình trạng đường đặt tên mà nhếch nhác. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại trước khi hoàn thiện trình HĐND tỉnh.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Cũng trong sáng nay, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã thẩm tra và thống nhất nội dung dự thảo tờ trình đặt tên đường trên địa bàn thị trấn Đô Lương.

Quy định về định mức hỗ trợ đối với người nấu ăn trong trường học

Thẩm tra về dự thảo về định mức hỗ trợ kinh phí để thuê, mướn, khoán người nấu ăn phục vụ bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, các thành viên dự họp cơ bản thống nhất cao.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (cơ quan soạn thảo nghị quyết) cần bổ sung căn cứ pháp lý, đồng thời không nên khống chế thời gian thực hiện nghị quyết mà khi có văn bản mới thì sẽ bãi bỏ, thay thế sau.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh. Ảnh: Mai Hoa
Dự thảo đề ra định mức cụ thể:

+ Hỗ trợ kinh phí để thuê, khoán người nấu ăn phụ vụ bán trú cho trẻ theo định mức 135% mức lương cơ sở/tháng/35 trẻ - nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo.

+ Mỗi trường được hỗ trợ tối đa 5 lần định mức/tháng.

+ Thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng/năm.