(Baonghean) - Ông Nguyễn Bá Sửu (xóm 5, xã Thanh Dương, Thanh Chương) gửi đơn đến Báo Nghệ An phản ánh việc gia đình ông bị chia thiếu đất sau khi chuyển đổi ruộng đất lần 2 theo Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy. Qua tìm hiểu, thấy rằng, kiến nghị của ông Sửu không có cơ sở.

Trong đơn, ông Sửu trình bày: Gia đình ông có 6.000m2 đất ở và đất sản xuất nông nghiệp đã được cấp GCN quyền sử dụng đất (QSDĐ). Năm 2012, sau khi xã thực hiện cuộc vận động dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy, diện tích  đất lúa của gia đình ông ban đầu có 2.600m2 nhưng do ông nhận đất gần nhà nên chỉ còn 1.600m2 (chia theo hệ số K). Còn đối với đất màu của gia đình ông từ 1.700m2 nay chỉ còn 960 m2. Đối với thửa đất số 8, tờ bản đồ dc29 có diện tích 485,9m2 gia đình ông sử dụng ổn định từ năm 2003 (sau khi chuyển đổi ruộng đất lần 1) nhưng không được đưa vào hồ sơ để làm GCN quyền sử dụng đất mới cho gia đình ông. Ông Sửu cho rằng, nếu tính cả thửa đất số 8, tờ bản đồ dc29 nói trên thì diện tích đất màu của gia đình ông vẫn còn thiếu 250 m2. Đặc biệt, khi gia đình điền thửa đất này vào phiếu giao nhận diện tích, loại đất chủ sử dụng theo hiện trạng thì bị xã gạch đi. Mặc dù, ông đã gửi đơn lên xã, huyện nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

image_5130615.jpgThửa đất mà ông Nguyễn Bá Sửu cho rằng là của gia đình nhưng UBND xã Thanh Dương (Thanh Chương) không ghi vào giấy giao nhận đất.


Kiểm tra diện tích theo hồ sơ của gia đình thì ông Sửu được Nhà nước chia 1.300m2 đất màu theo Nghị định 64 và cộng thêm 317 m2 ông thừa kế của mẹ là bà Nguyễn Thị Tứ. Như vậy, gia đình ông có 1.617m2 đất màu. Đối với diện tích ở tờ bản đồ dc29, có diện tích 485,9m2 hiện ông đang canh tác thì còn nhiều điều cần làm sáng tỏ. Ông cho biết, năm 2003, xã thực hiện chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 02 và quy hoạch vùng đất Dương Tân thành đất ở với tổng diện tích 5.000m2. Xã chia thành 13 lô và đã bán 12 lô cho 12 gia đình trong xã.

Còn đối với thửa đất của gia đình thì ông vẫn sử dụng ổn định từ đó đến nay. Tuy nhiên, qua làm việc với ông Bùi Văn Hiền, Bí thư Chi bộ xóm 5, nguyên là Xóm trưởng giai đoạn 2002 - 2004 nhớ rất rõ việc chuyển đổi năm đó. Ông Hiền kể lại, năm 2002, do quy hoạch mở rộng QL 46 và nhu cầu làm nhà văn hóa xóm và bố trí đất cho các hộ bị ảnh hưởng nên UBND xã đã lập tờ trình được UBND xã xin chuyển đổi toàn bộ diện tích vùng đất Dương Tân của xóm 5 ra vùng bãi nổi. Đợt chuyển đổi trên trong danh sách có 43 hộ nhưng chỉ có hộ ông Nguyễn Bá Sửu không đồng ý. Do đó, xã vẫn để cho ông Sửu canh tác từ đó cho đến nay chứ không phải chia cho gia đình ông Sửu.


Liên quan đến nguồn gốc cũng như diện tích thửa đất này, ông Nguyễn Đình Lương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thửa đất của ông Sửu được chia theo Nghị định 64 có diện tích 163 m2. Năm 2003, xã tiến hành chuyển đổi thì hộ ông Sửu không đồng ý. Vì gia đình ông Sửu thuộc diện chính sách và để thuận tiện trong công tác sản xuất nên UBND xã vẫn để cho ông Sửu canh tác. Tuy nhiên, sau khi phân lô thì ông Sửu được xã giao cho một thửa đất mới, có diện tích là 485,9m2. “Đây là nguyên nhân khiến ông Sửu lầm tưởng rằng xã giao đất ở cho gia đình ông. Nhưng thực tế thì diện tích mà ông đang canh tác lớn hơn diện tích được giao theo Nghị định 64. Lúc đó, cán bộ địa chính cũng nghĩ rằng phần thừa sau khi quy hoạch xong thì giao luôn cho ông Sửu canh tác chứ không nghĩ đến hệ lụy thế này. Đây là thiếu sót của xã dẫn đến việc ông Sửu có nhận thức chưa đúng nên gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng.


Đối với nội dung ông Sửu phản ánh sau khi chuyển đổi ruộng đất thì gia đình ông bị lệch gần 700m2 đất màu thì theo giấy tờ là đúng. Tuy nhiên, giải thích vấn đề này thì ông Bùi Văn Hiền, Bí thư chi bộ và ông Trần Đình Thạnh (nguyên Xóm trưởng xóm 5) cho biết rằng, sau khi chuyển đổi thì diện tích đất sản xuất của hầu hết các gia đình hụt đi so với ban đầu chứ không riêng gì gia đình ông Sửu. Nguyên nhân là khi xã chia đất theo hệ số K, những gia đình, xóm nào tự nguyện nhận đất xấu, xa thì diện tích sẽ tăng lên. Còn những hộ, xóm nhận vị trí đất tốt thì diện tích sẽ giảm xuống. Đối với xóm 5, sau khi các xóm đã nhận phần đất xấu thì được chia đất màu tại vùng bãi Hờ Hành. “Toàn xã có 13 xóm thì có 9 xóm nhận đất tại vùng Hờ Hành. Các xóm bốc thăm vùng đất rồi tiến hành chia cho dân trong xóm theo số khẩu. Hộ ông Nguyễn Bá Sửu có 8 khẩu, trung bình 1 khẩu được chia 121m2. Như vậy, diện tích đất màu sau khi chuyển đổi của gia đình ông Sửu là 960m2 là đúng”, ông Thạnh, nguyên Xóm trưởng xóm 5 trình bày.


Theo ông Nguyễn Sỹ Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Dương thì việc dồn điền, đổi thửa đã được thực hiện công khai, dân chủ, công bằng. Do các xóm không đủ năng lực nên xã lấy đơn vị cấp xã để dồn điền, đổi thửa. Sau khi tạm thu hồi đất nông nghiệp của toàn xã rồi chia hạng đất. Những xóm, gia đình nào tự nguyện nhận đất xấu sẽ được nhận trước. Sau khi một số xóm nhận xong thì còn lại ở vùng bãi Hờ Hành được chia cho 9 xóm, trong đó có xóm 5. Đối với thửa đất số 8, tờ bản đồ dc29 mà ông Sửu đang canh tác cũng được đưa vào chia.

Bản thân ông Sửu cũng thừa nhận mình đã nhận đủ đất theo bình quân khẩu nên những kiến nghị của ông Sửu là không có cơ sở nên xã không giải quyết được. Đối với thửa đất mà ông Sửu đang canh tác thì đó là đất nông nghiệp vừa được UBND huyện quy hoạch thành đất ở. Bản thân gia đình ông Sửu tuy thuộc diện gia đình chính sách nhưng đã có 2 thửa đất ở nên không xét duyệt để chia nữa. Nếu gia đình ông Sửu có nhu cầu thì nộp tiền bình đẳng như các hộ khác thì xã sẽ xét duyệt. Sắp tới, xã sẽ tiến hành vận động, tuyên truyền để ông Sửu trả lại đất. Còn nếu ông vẫn cố chấp thì xã sẽ sử dụng biện pháp cuối cùng là cưỡng chế để thu hồi theo đúng quy định.


Như vậy, việc ông Sửu phản ánh bị thiếu đất sau khi dồn điền, đổi thửa là có phần chưa thỏa đáng. Bởi, quá trình xóm tổ chức họp để thông qua phương án chia đất thì ông có tham dự và đồng tình. Việc số đất bị lệch đi so với ban đầu là tình trạng phổ biến, chứ không riêng gì gia đình ông. Hơn nữa, bản thân gia đình ông cũng không thiếu thốn đất sản xuất, thể hiện bằng việc ông đã cho khoán lại toàn bộ diện tích đất màu tại vùng Hờ Hành. Còn đối với thửa đất số 8, tờ bản đồ dc29 thì đây là sai sót của UBND xã giai đoạn 2003 đã giao cho gia đình ông diện tích nhiều hơn so với trong giấy tờ. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, sau khi thu hồi và quy hoạch thành đất ở thì xã không thu phí của gia đình ông trên thửa đất này. Việc thu hồi thửa đất của xã chưa thực hiện được do ông làm đơn và không hợp tác.

Nguyên Hưng