(Baonghean) - Lang Văn Trung (SN 1981) sinh ra và lớn lên ở bản Phục (xã Đôn Phục, Con Cuông), một vùng quê nằm phía tả ngạn sông Lam, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Giao thông đi lại khó khăn, tập tục canh tác còn lạc hậu, trình độ dân trí hạn chế là những “bức tường” giam hãm người dân trong vòng đói nghèo, thiếu thốn.  Mỗi năm, người dân nơi đây chỉ làm một mùa rẫy và một mùa lúa nước, năm nào thời tiết thuận lợi, mưa nắng đúng kỳ may chăng mới đủ cái ăn. Còn năm nào mưa nắng thất thường, hết hạn hán đến lũ lụt thì người dân quê anh cầm chắc cái đói, có khi phải vào rừng tìm củ mài, củ nâu về ăn thay cơm. 
 
Nhà ở gần trụ sở UBND xã, những lúc rảnh rỗi Lang Văn Trung thường đến Trung tâm học tập cộng đồng để đọc sách báo, vì theo anh sách báo có rất nhiều thông tin bổ ích và quý giá. Một lần, có bài báo giới thiệu về mô hình trang trại tổng hợp và phát triển kinh tế vườn rừng, anh Trung xin tờ báo về nhà và đọc đi đọc lại nhiều lần. Anh nhận ra, quê mình cũng có nhiều điểm tương đồng với địa điểm nêu trong bài báo. Nhân vật trong bài báo cũng cỡ tuổi anh, họ đã mạnh dạn nhận đất rừng để trồng keo và phát triển chăn nuôi bò thương phẩm. Nhờ đó, từng bước thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu, có điều kiện đầu tư cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Lang Văn Trung nghĩ vợ chồng mình đều khỏe mạnh, đất rừng quê hương lại rộng mênh mông, thích hợp với việc trồng keo nguyên liệu. Đó chính là con đường thoát nghèo, phải mạnh dạn vay vốn để trồng rừng và làm trang trại. Không chần chừ để đánh mất cơ hội, anh Trung làm thủ tục xin nhận đất trồng rừng và tranh thủ nghiên cứu các tài liệu về phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi trâu, bò. 
images1198379_dsc_01.jpgAnh Lang Văn Trung chăm sóc đàn bò.
Được nhà nước giao cho hơn 11ha rừng, Lang Văn Trung mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất. Phần lớn diện tích đất đều được trồng keo, đến nay vườn keo của gia đình anh đã gần 4 năm tuổi, khoảng vài ba năm nữa sẽ cho thu hoạch và mang về hàng trăm triệu đồng. Diện tích còn lại anh trồng cỏ chăn nuôi bò và trồng xen cây sắn để chăn nuôi lợn gà theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, ngoài 11 ha keo, vợ chồng anh Trung còn có gần 10 con bò, gần 200 con gà, kinh tế gia đình ngày càng ổn định và hứa hẹn nguồn thu nhập lớn trong tương lai không xa. Anh chia sẻ: “Tôi nhận thấy trồng rừng và phát triển kinh tế trang trại là hướng làm ăn bền vững ở vùng đất này. Công việc này không khó lắm, chỉ đòi hỏi mình phải chăm chỉ, không sợ khổ và chuyên tâm vào công việc. Làm được tốt thì rừng sẽ đẻ ra cái ăn, đẻ ra tiền...”. 
 
Điều đáng nói hơn, thấy hướng đi của Lang Văn Trung có nhiều triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con bản Phục và các bản khác trong xã đều học theo. Ai tìm đến học hỏi cách làm và kinh nghiệm trồng rừng và phát triển trang trại, anh đều nhiệt tình hướng dẫn và cho mượn các tài liệu kỹ thuật về nghiên cứu. Anh trở thành một “tuyên truyền viên” tích cực vận động, hướng dẫn bà con mạnh dạn làm giàu, đặc biệt là từ trồng keo lai. Hiện tại, chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích cây keo trên địa bàn toàn xã, áng chừng con số này đã lên đến hàng nghìn ha. Cây keo đang dần khẳng định vị thế và sẽ trở thành cây chủ lực. Có thể xem, Lang Văn Trung là một trong những người “mở đường” ở Đôn Phục.
 
Bài, ảnh: TƯỜNG ANH