(Baonghean) - Khi những thông tin, hình ảnh về lũ lụt đầu tiên được phát trên truyền hình, được lan truyền trên Internet thì cũng là khi những hoạt động thiện nguyện khắp mọi miền đất nước được bắt đầu, rất khẩn trương mà cũng đầy tình thương, trách nhiệm. Nhưng đâu đó, cái sự sốt sắng quá mức của những tấm lòng thiện nguyện có thể sẽ khiến cho người miền Trung chạnh lòng.
Miền Trung bao đời nay đã quen với cảnh lũ lụt trong mùa mưa bão. Cái dải đất hẹp nhưng địa hình lại dốc, lắm đồi núi, ít sông ngòi, chỉ một trận mưa to thì bao nhiêu nước ở thượng nguồn phút chốc đã ào về nhấn chìm làng mạc, mùa màng, đường sá. Người dân ở vùng hay có lũ cũng đã quá quen với cảnh này, họ luôn chủ động và tự cường để đón bão và lũ. Hầu như nhà nào cũng tích trữ lương thực, thực phẩm cho mùa mưa bão, nhà nào cũng có những cái chạn để gác đồ khi lũ lên cao, có một cái thuyền nhỏ được hạ thủy khi lũ về, có cách để lùa gia súc, gia cầm đi tránh lũ. Nên dù là lũ lớn đến mấy, họ vẫn không hề hoảng loạn mà luôn chủ động và hỗ trợ nhau cùng vượt qua.
Miền Trung có những đặc sản xuất phát từ kinh nghiệm chống chọi với thiên tai, như khoai khô, khoai deo, tép khô, cá khô… có thể ăn luôn không cần nấu nướng để chống chọi qua cơn bão lũ. Cách nấu nướng truyền thống của người miền Trung là “chặt to, kho mặn”, cũng là một “đặc sản” của cái xứ lắm bão nhiều lũ này. Từ những đặc điểm đời sống đó mà hình thành nên tính cách can trường, khí khái và tiết kiệm có khi đến mức ki bo của người miền Trung. Vậy nên, không phải ai cũng có thể “ưa” được cái tính cách gai góc của những con người trưởng thành qua sự khốc liệt của thiên nhiên này.
Ngày chưa có truyền thông và Internet, chẳng ai biết đến những hình ảnh bão lũ, chẳng ai đứng ra mà vận động quyên góp hỗ trợ cho người miền Trung, nhưng họ, những con người can trường ấy, vẫn không bao giờ ngửa tay xin xỏ sự giúp đỡ của ai, họ tự mình và đùm bọc nhau chống chọi qua thiên tai, rất ít khi trở thành những kẻ ăn mày sau những mùa bão lũ.
Ngày nay, với sự phát triển của truyền thông, chỉ sau vài tích tắc, những hình ảnh khó khăn về những con người lam lũ ấy đã nhanh chóng lan tràn trên truyền hình, báo chí, mạng xã hội, kéo theo đó là những lời xót thương, kêu gọi quyên góp, ủng hộ miền Trung vượt qua bão lũ. Người Việt Nam là thế, rất dễ mủi lòng và luôn hào hiệp khi đồng bào mình gặp khốn khó.
Nhưng cũng thật buồn, sự phát triển của báo chí điện tử, của mạng xã hội với nhu cầu câu view để thu hút quảng cáo, câu like để thể hiện bản thân đã kéo theo nhiều điều chướng tai gai mắt. Nhiều người đã đăng lên mạng những hình ảnh và lời cảm thương quá mức về lũ lụt miền Trung, biến những con người miền Trung can trường và đầy tự trọng ấy thành những kẻ đáng thương đang chực chờ bố thí. Thậm chí, họ sử dụng cả những hình ảnh tang thương từ những cơn lũ khác, từ những địa phương khác để gắn cho miền Trung chỉ để khơi lên sự cảm thương của xã hội.
Người miền Trung cần giúp đỡ để vượt qua khó khăn và họ trân trọng những tấm lòng chân thành đến với họ, nhưng nếu biến họ thành những kẻ đáng thương, ăn mày chỉ để thỏa mãn sự thể hiện bản thân của ai đó thì thật là vô cùng đáng trách!
Bảo Ngân