(Baonghean.vn) - Đang chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối, chị bàng hoàng hay tin người con trai cả phải nhập viện K2 (Hà Nội) để xạ trị ung thư dạ dày. Trong khi đó, vì không có tiền, chồng chị cũng không dám nhập viện để điều trị ung thư tinh hoàn.

 
Ánh nắng xế chiều xiên qua tán cây phượng, rọi thẳng xuống chiếc giường kê dưới gốc cây. Trên giường là người phụ nữ luống tuổi gầy guộc, da vàng bủng, chai hóa chất đung đưa chực rơi xuống mỗi khi tay chị níu lấy thành giường, môi mím chặt ghìm tiếng rên để chống chọi với cơn đau hành hạ. Mái tóc đốm bạc chỉ còn lơ thơ, nhiều mảng rụng trơ da đầu bởi những đợt hóa xạ trị. Bệnh viện Ung bướu Tỉnh Nghệ An quá tải, ban ngày, nhiều bệnh nhân như chị phải ra hành lang tá túc. Hôm nay chậm chân nên phải trú nắng dưới gốc phượng này.
 
Tháng 4/2011, thấy người mệt mỏi, sức khỏe giảm sút, xuống cân, cô Chu Thị Thái Hà (Sinh năm 1957, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, Thành phố Vinh) đi khám và bàng hoàng phát hiện ra mình bị ung thư cổ tử cung. Căn bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối, phải nhập viện điều trị mới mong kéo dài được sự sống. Chị tạm biệt trường lớp, tạm biệt học sinh thân yêu vào ở Bệnh viện K1 Hà Nội. Sau 20 ngày xạ trị, chị được chỉ định cắt bỏ tử cung và buồng trứng, nhưng tế bào ung thư đã di căn sang trực tràng và gan. Hậu quả của đợt xạ trị dài ngày là bỏng trực tràng, mấy ngày sau liên tục chảy máu trực tràng bởi vậy hiện tại, ngoài số tiền xạ trị 8 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị phải lo cả tiền chuyền máu để bù đắp lượng máu bị mất.
 
Nằm trên giường bệnh, người chị xanh xám, gầy xọp, từ 45kg giờ chỉ như một đứa trẻ, tóc rụng từng mảng. Thế nhưng, khi hỏi về bệnh tình hiện tại, chị chỉ khóc: “Tôi từng này tuổi rồi, chết cũng được rồi nhưng chết không nhắm mắt được cô ơi. Tôi có hai đứa con trai đều đang nằm trên giường bệnh…”.

779223_small_78700.jpg

Bản thân chị nằm Bệnh viện K1 Hà Nội một thời gian, tiền viện phí và phí tổn đi lại quá tốn kém không kham nổi nên xin chuyển về Bệnh viện Ung bướu Nghệ An để chồng con tiện việc đi lại. Những tưởng mẹ về điều trị gần nhà thì có thể vơi bớt được chi phí để dành cho thuốc thang, ai dè Phạm Quang Dũng (SN 1980) lại phải nhập viện K2 Hà Nội.
 
Rồi cô khóc, nước mắt cứ thế mà tuôn như mưa. Hơn 1 năm nằm viện, bao nhiêu của cải đã trôi theo những đợt xạ trị, những lần chuyền máu. Cả nhà với 7 con người chui rúc trong mấy chục mét vuông vốn đã chật vật thì giờ lại kham khổ hơn bội phần. Trong khi đang chống chọi với căn bệnh ung thư thì cô nhận được hung tin: Thằng con trai cả phải nhập viện vì ung thư dạ dày.
 
“Số thằng cả khổ lắm, từ ngày mẹ bị bệnh nó phải nghỉ việc đi theo ra Hà Nội chăm mẹ, bản thân nó bệnh, đau đớn nhưng không dám nói với ai. Đến khi không chịu được nữa, đi khám, bệnh viện bảo ung thư gan giai đoạn cuối, gan đã quá to rồi không thể mổ được, phải điều trị bằng hóa chất để kìm hãm sự phát triển của u, không còn hy vọng chữa trị nữa”, chị sụt sùi. Chị thương đứa con hiếu thảo luôn lận đận vì công việc. Dũng tốt nghiệp khoa tiếng Pháp ĐH Vinh nhưng không được đi dạy, đành phải làm việc trái ngành. “Hắn cưới vợ chưa được bao lâu, vợ cũng chưa có việc làm, bây giờ phải đi chăm chồng ốm…”
 
Niềm hy vọng về con cái của bà vừa mới được nhen nhóm đã vội phụt tắt. Con trai thứ 2 Phạm Văn Phương (SN 1983) cũng đau ốm triền miền, đến khi thấy liên tục ho ra máu cứ tưởng bệnh lao, nào ngờ, đi bệnh viện khám phát hiện do tim to chèn phổi, phải nghỉ việc. Bác sỹ chỉ định phải phẫu thuật nhưng không có tiền nên đành phải cầm cự bằng thuốc.
 
Vợ Phương không có việc làm phải đi bán bánh mỳ ở vỉa hè, nuôi chồng bệnh nặng, con đau ốm lại phải còn lo cho cả mẹ chồng. Còn chồng chị, sau thời gian 4 tháng nằm viện vì bị tai nạn, sức khỏe giảm sút. Thương vợ, thương con, anh xin đi làm bảo vệ cho một cơ sở khám chữa bệnh. Một tháng đi làm 15 ngày, nghỉ 15 ngày theo vợ vào viện. Cố nén cơn đau, chị Hà tâm sự: “Tôi tính xin nghỉ hưu sớm nhưng chưa đủ tuổi nên không được. May mà anh em đồng nghiệp thương, động viên, lại còn dạy thay để duy trì đồng lương cho mình. Nhà mấy người trọng bệnh nhưng chỉ biết dựa vào đồng lương giáo viên của tôi, 1 triệu tiền bảo vệ của chồng và hàng bánh mỳ dạo của con dâu thứ, làm sao có tiền để chống chọi với bệnh tật chồng chất thế này”.
 
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Lê Văn Bảo (Bệnh viện ung bướu Nghệ An) - bác sỹ điều trị trực tiếp bệnh nhân Chu Thị Thái Hà cho biết: “Căn bệnh ung thư trực tràng của bệnh nhân Hà đã đến giai đoạn cuối, lại di căn sang gan, không thể can thiệp được bằng phẫu thuật nữa. Hiện tại liệu trình điều trị của chị Hà mới được 6 lần xạ trị trên tổng số 12 lần nhưng với thể trạng như vậy thì chỉ có thể cầm cự được một thời gian nữa thôi. Ông chồng đi theo chăm sóc vợ nhưng cũng yếu lắm. Kết quả kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện cho thấy anh ấy có triệu chứng ung thư tinh hoàn, nhưng vì không có tiền nên không chịu nhập viện..”.
 
“Thân tôi, chết cũng được, nhưng còn thằng Dũng, thằng Phương thì phải làm sao đây?”, chị lại khóc, giọt nước mắt lăn dài trên gò má đã xám ngoét vì xạ trị nhiều lần. Nghe vợ than, anh chồng lẳng lặng quay mặt đi cố nén tiếng thở dài. Nếu chị biết anh cũng đang phải chống chọi với bệnh ung thư tinh hoàn có lẽ chị sẽ không còn sức mà gắng gượng được nữa…
 
Mặc dù bạn bè, đồng nghiệp và bà con chòm xóm đã xúm tay vào giúp đỡ chị nhưng đối với 4 người bệnh nặng như vậy thì làm sao mà chống đỡ nổi. Chỉ tính đến người chăm sóc đã rất khó khăn, hai đứa con dâu phải theo chăm sóc chồng, còn lại mình anh đành phải ở bên vợ? Thương vợ bệnh đã ở giai đoạn cuối nên ngày ngày anh ngồi bên vợ đếm thời gian và từng cơn đau của vợ để cố quên đi mầm chết đang lan tỏa trong cơ thể mình. Anh không dám nghĩ đến tiền, có thể ngày mai hay ngày kia cả nhà đành nuốt nước mắt đưa chị về; có thể ngày kia nữa, con trai út trở bệnh, và… 
 
Anh nhắm nghiền mắt lại, không dám nghĩ đến điều gì sẽ còn xảy ra ...!!!


Hà Linh