(Baonghean)Báo Nghệ An số ra từ ngày 12- 18/7/2012 có đăng loạt bài phóng sự dài 5 kỳ: “Sau vụ kiểm lâm “nhúng chàm” ở khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống- Rừng đại ngàn vẫn ào ào bị đốn hạ”, phản ánh tình trạng rừng đầu nguồn ở Quế Phong, Thanh Chương và Tương Dương bị “lâm tặc” đốn hạ ào ào, công khai giữa ban ngày mà không thấy lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, các xưởng xẻ gỗ không phép mọc tràn lan, không bị các ngành chức năng xử lý.
Sau khi báo đăng, ngày 19/7/2012, UBND huyện Quế Phong có Công văn số 397/UBND-KL và ngày 23/7/2012 Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có Công văn số 398/BC-KL báo cáo kết quả xác minh nội dung Báo Nghệ An nêu.
Báo cáo khẳng đinh: Sự việc như Báo Nghệ An phản ánh, Chi cục Kiểm lâm từ trước đến nay đã xác định là vùng trọng điểm khai thác rừng trái phép đã thể hiện trong nội dung phương án bảo vệ rừng của tỉnh, cũng như huyện Quế Phong đã có sự chỉ đạo quyết liệt, liên tục từ năm 2011 đến nay. Về sự việc như báo nêu về mức độ phá rừng mang tính chất đơn lẻ, tự phát đã được ngăn chặn nhiều, tuy nhiên chưa triệt để.
Hạt Kiểm lâm Quế Phong đã nhiều lần kiểm tra, bắt giữ, xử lý và báo cáo UBND huyện. Tại vùng Huổi Tang, Na Lướm như Báo Nghệ An đã nêu thuộc tiểu khu 48,49,50 là những khu rừng sát Khu tái định cư Na Lướm, Huổi Lướm, Pù Sai Cáng xã Thông Thụ. Số gỗ vi phạm Hạt Kiểm lâm đã tổ chức lập biên bản, kiểm đếm đầy đủ giao cho chính quyền quản lý, song chưa có giải pháp để tịch thu đưa số gỗ này về, vì số gỗ ở trong rừng, các loại phương tiện không vào chuyên chở được.
Tại Huổi Tang (tiểu khu 48), vùng này trước đây gần như ít bị khai thác, vài tháng gần đây người dân chuyển nhà từ vùng lòng hồ lên Pù Sai Cáng, Mường Piệt cần gỗ để sửa chữa nhà hoặc làm nhà mới nên mới vào rừng khai thác gỗ. Người dân thường kéo gỗ vào những thời điểm, những lúc mà không có kiểm lâm địa bàn như buổi trưa, buổi tối. Thường kéo nhỏ lẻ với số lượng ít.
Tại Huổi Lướm (tiểu khu 49, 50), tình hình khai thác gỗ phức tạp hơn, nguyên nhân là do công trình nước sạch cho Khu tái định cư Huổi Lướm mở đường xuyên sâu vào rừng để vận chuyển vật liệu. Mặc dù việc mở đường đi theo suối và đường mòn nên hầu như không chặt cây rừng và không ảnh hưởng đến rừng, song hệ lụy của nó khôn lường đã tạo điều kiện cho người dân vào đây khai thác và vận chuyển hàng trăm m3 gỗ. Kiểm lâm đã nhiều lần kiểm tra, ngăn chặn song vẫn không kiểm soát hết được. Ngày 27/6/2012, Hạt Kiểm lâm đã lập biên bản kiểm tra, quyết định tạm giữ và thành lập một tổ công tác chốt chặn tại Na Lướm, canh giữ hiện trường không cho người vào rừng, bảo vệ lâm sản tạm giữ và xin ý kiến UBND huyện xử lý.
Về các xưởng xẻ tại xã Thông Thụ - Đồng Văn hầu hết tự phát, không có giấy phép, hoạt động chủ yếu cưa xẻ gỗ phục vụ cho nhu cầu tái định cư của người dân. Trong năm 2012, cơ quan chức năng đã kiểm tra nhiều lần và xử lý 15 xưởng chế biến, trong đó ở Đồng Văn, Thông Thụ xử lý 8 trường hợp. Những xưởng này cũng sẽ không tồn tại được lâu, sau khi nhà của dân làm xong, không còn người có nhu cầu xẻ gỗ nữa.
Báo cáo cho rằng, do tính chất phức tạp từ đầu năm đến nay, cán bộ nhân viên Hạt Kiểm lâm Quế Phong gần như không có ngày nghỉ. Thường xuyên đi làm, thường xuyên nhận nhiệm vụ khi có tin báo. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm, số vụ xử lý, khối lượng lâm sản tịch thu và thu nộp ngân sách lớn hơn cả năm 2011. Cụ thể, đã xử phạt 122 vụ vi phạm, tịch thu 241,4m3 gỗ các loại,… Tổng thu nạp ngân sách trên 2 tỷ đồng.
Trong báo cáo Chi cục Kiểm lâm cũng đã đưa ra một số giải pháp để bảo vệ rừng trong thời gian tới, trong đó có cả giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài để ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Qua các tư liệu và thực tế đang diễn ra ở các địa bàn nói trên, qua báo cáo trả lời Báo Nghệ An của 2 đơn vị cho thấy, đến thời điểm này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng như huyện Quế Phong vẫn chưa sát tình hình. Một lần nữa Báo Nghệ An khẳng định, nạn phá rừng đã và đang diễn ra trên địa bàn 2 huyện Thanh Chương và Quế Phong là hết sức trầm trọng và diễn ra một cách ngang nhiên, rầm rộ. Nếu các ban, ngành liên quan không vào cuộc một cách tích cực và sát sao hơn, chủ lực là Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các huyện liên quan, thì rừng đại ngàn vẫn còn bị triệt phá. Môi trường của chúng ta vẫn đang bị đe dọa.
Chi cục Kiểm lâm và huyện Quế Phong trả lời vấn đề báo nêu!
Phòng bạn đọc